Để các cụ sống khỏe, sống vui
Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng phục vụ công tác điều dưỡng, nuôi dưỡng người có công (NCC) cô đơn tại Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh dần được đầu tư hoàn thiện, góp phần đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đem lại sự hài lòng, phấn chấn cho NCC, thân nhân liệt sĩ khi đến với trung tâm.
Yên tĩnh, gọn gàng và mát mẻ là cảm nhận của chúng tôi khi đến thăm Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công, đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vào một ngày hè trong tuần. Tại khu nuôi dưỡng, chăm sóc NCC, các phòng nghỉ được bố trí ngăn nắp, có điều hòa, quạt mát, hệ thống nhà vệ sinh khép kín... giúp những NCC dù tuổi đều đã trên 85, 90 như mệ Quy, mệ Dạng, mệ Cháu... chuyện trò sinh hoạt. Khu vực các phòng phục điều dưỡng, chăm sóc, trị liệu cũng có khoảng vài chục người đang được châm cứu, massage chân, toàn thân, nằm giường nóng...
Ông Nguyễn Hữu Nghi, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc NCC cho biết: Toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của trung tâm đều xem các cụ NCC như người thân của mình, chăm sóc, nuôi dưỡng như người cha người mẹ, để làm sao cho các cụ vào đây được sống khỏe, sống vui và đỡ tủi thân khi về già vì không có người thân bên cạnh. Các cụ vào đây, được trung tâm chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, thăm khám sức khỏe hàng ngày, châm cứu, phục hồi chức năng để giảm bệnh tật, nâng cao sức khỏe. Cụ nào bị bệnh nặng được đưa đi điều trị tại bệnh viện, cử nhân viên y tế thăm nuôi.
Mọi sinh hoạt, ăn uống của các cụ NCC, thân nhân NCC tại trung tâm đều khá thoải mái, được đáp ứng, phục vụ đầy đủ nhu cầu như được tạo điều kiện về thăm quê, đi hiếu, hỉ và ngay cả nội quy sinh hoạt trung tâm xây dựng cũng phải được các cụ thông qua trước khi chấp hành. Việc tổ chức ăn uống hàng ngày được đơn vị lên thực đơn và niêm yết cho các cụ biết, giám sát.
Trong công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, trung tâm phân công cán bộ y tế trực 24/24 giờ để theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho các cụ. Mỗi ngày đo huyết áp, thân nhiệt 2 lần. Cụ nào có thể châm cứu, phục hồi chức năng được thì thực hiện châm cứu, bố trí thiết bị phục hồi chức năng cho các cụ sử dụng. Cụ nào lâm bệnh nặng cần phải đi viện thì cán bộ y tế sẽ đưa đi điều trị và cử người vào bệnh viện chăm sóc.
Trước đây, mức tiền ăn nuôi dưỡng NCC là 1,08 triệu đồng/người/tháng nên khá chật vật trong việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, thực đơn. Từ tháng 11/2021, thực hiện Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh, mức tiền ăn tăng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mỗi ngày các cụ được ăn 50 nghìn đồng, nên số bữa ăn, món ăn nhờ đó cũng tăng lên với chế độ thực đơn thay đổi, đầy đủ dinh dưỡng. Phần lớn các cụ ở đây có khoản trợ cấp hàng tháng của Nhà nước nên ngoài chế độ ăn uống của trung tâm, các cụ còn mua thêm thực phẩm bồi bổ sức khỏe. Các khoản khác chăm lo các cụ như áo quần, chăn ga, thuốc chữa bệnh thông thường... đều đảm bảo chu cấp đầy đủ cho các cụ.
"Đặc thù của trung tâm là điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho NCC, thân nhân NCC và nhất là chăm sóc, nuôi dưỡng NCC cô đơn, NCC có hoàn cảnh đặc biệt với trách nhiệm tri ân, uống nước nhớ nguồn, thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với NCC. Song, ngoài áp dụng thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước, trung tâm rất mong muốn được sự quan tâm, động viên, sẻ chia và thăm hỏi của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội đến những NCC cô đơn đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại đơn vị, giúp các cụ có thêm nguồn động viên về tinh thần để sống vui, sống khỏe", ông Nguyễn Hữu Nghi chia sẻ thêm.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/de-cac-cu-song-khoe-song-vui-130134.html