Để các dự án khởi nghiệp 'không nằm trên giấy'
Từ ngày 18 đến ngày 20/4, Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia trong học sinh, sinh viên lần thứ VII đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT), Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Sự kiện năm nay cũng nhằm tổng kết 7 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) theo Quyết định phê duyệt số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Hưởng ứng Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia, tại nhiều trường ĐH cũng diễn ra hoạt động khởi nghiệp sôi động, giàu ý tưởng sáng tạo, đầy sức truyền cảm hứng.

Nhóm UTU, Trường Quản trị Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) trình bày dự án về nền tảng trực tuyến hiện đại hỗ trợ học tập, chọn trường, chọn ngành cho học sinh, sinh viên.
Ngày 19/4, Trường Quản trị Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) sôi động với vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo 2025”. Sự xuất sắc của các dự án được thể hiện không chỉ ở ý tưởng kinh doanh sáng tạo, mà còn thể hiện tính xây dựng cộng đồng văn minh và tính xã hội cao. Em Nguyễn Minh Hiền, sinh viên năm thứ 3 ngành Marketing và Truyền thông, Trường Quản trị và Kinh doanh chia sẻ về dự án “Hiểu mình đúng, chọn trường trúng” thông qua ứng dụng UTU – một nền tảng trực tuyến hiện đại hỗ trợ học tập và phân tích thông tin tuyển sinh (Dự án này giành giải Nhì vòng chung kết). Hiền cho biết, trong một “rừng” trường ĐH, một “rừng” các ngành nghề, phần lớn các bạn học sinh THPT đều bối rối trong chọn trường, chọn ngành, thì ứng dụng UTU với dữ liệu tin cậy, phong phú sẽ nhanh chóng giúp các bạn nhận diện ra trường nào, ngành nào phù hợp với khả năng của mình nhất, để không phải chọn trường theo ý chí của người lớn. Ứng dụng UTU cập nhật thông tin tuyển sinh mới nhất của các trường, do đó thay vì phải vào website của từng trường thì chỉ cần vào ứng dụng này là học sinh có thông tin đầy đủ; UTU còn cập nhật những nét mới của tuyển sinh ĐH 2025; cách tìm kiếm, so sánh mức học phí của các trường…
Dự án “Dịch vụ hỗ trợ đăng kiểm và tài xế lái xe hộ” của nhóm sinh viên Trần Lê Ngọc Minh, Nguyễn Sĩ Bách, Trịnh Linh Nhi và Trần Đức Nam Anh (sinh viên năm thứ 3 ngành Quản trị Doanh nghiệp và Công nghệ) được Ban giám khảo đánh giá cao khi các em có mục tiêu giúp giảm thiểu tai nạn giao thông sau khi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, hạn chế rủi ro khi lái xe đường dài, tăng trải nghiệm tiện nghi và giảm sự bất tiện, căng thẳng khi người dân phải tự đi đăng kiểm. Sinh viên Trần Lê Ngọc Minh cho biết, tính đến năm 2024, Việt Nam có hơn 6 triệu ôtô và con số này vẫn đang tăng trưởng đều. Với chu kì đăng kiểm từ 6-24 tháng tùy loại xe, trung bình mỗi năm có khoảng 3-4 triệu lượt đăng kiểm cần thực hiện, trong đó 10-15% không có thời gian hoặc khó khăn trong việc tự đi đăng kiểm – tương đương tiềm năng thị trường từ 300.000 – 500.000 lượt/năm. Từ con số đó, nhóm nghiên cứu đánh giá, nhu cầu sử dụng dịch vụ đăng kiểm hộ rất lớn, do đó, nhóm đã đưa ra các giải pháp công nghệ để người dân có nhu cầu được đăng kiểm hộ sử dụng, giúp tiết kiệm thời gian và công sức… Còn rất nhiều dự án của các bạn trẻ được trình bày tại chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo 2025” của Trường Quản trị Kinh doanh cho thấy sức sáng tạo và ý tưởng khởi nghiệp khả thi, như: Dự án ứng dụng đặt tài xế lái xe hộ (Nhóm DRISA); dự án phần mềm giải pháp quản lý chợ thông minh (Nhóm E-Market); dự án ứng dụng kết nối nhà cung cấp, nhà tài trợ với người tiêu dùng trong ngành thực phẩm (Nhóm FoodLink – dự án này giành giải Nhất) hay dự án cung cấp nền tảng công nghệ cho thuê quần áo đa năng từ bình dân đến cao cấp (Nhóm Snaap - giành giải Nhì)…
Theo thông tin từ Bộ GD & ĐT, Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục; góp phần xây dựng văn hóa khởi nghiệp và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Từ năm 2020 – 2024, số lượng các dự án khởi nghiệp của sinh viên là 33.808 dự án, tính trung bình mỗi năm có 5.635 dự án. Số lượng các dự án khởi nghiệp của học sinh THCS, THPT là 8.700 dự án, tính trung bình mỗi năm có 1.465 dự án.
Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn do cơ sở giáo dục ĐH ươm tạo từ năm 2020 đến nay xấp xỉ 300 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn từ các nhà đầu tư là 12 doanh nghiệp, số vốn lớn nhất là 1 tỷ đồng/dự án. 100% các cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Số lượng các cơ sở giáo dục ĐH đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, với tối thiểu 2 tín chỉ/môn học đạt 58%, trong đó có một số trường cao đẳng sư phạm đã đưa khởi nghiệp thành môn học tự chọn dành cho sinh viên; 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% các cơ sở giáo dục ĐH đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa.
Đến năm 2024, 60% các trường đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp; 110 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV, tăng 20 cơ sở đào tạo so với năm 2023; 50 cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tăng 5 cơ sở đào tạo so với năm 2023. Trong 7 năm thực hiện Đề án 1665, có hơn 2.100 cán bộ giảng viên và gần 10.000 HSSV được các nhà trường tuyên dương, khen thưởng vì có thành tích cho các hoạt động khởi nghiệp.
Triển khai Đề án 1665, từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV.STARTUP) và cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Sau 7 lần tổ chức, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã nhận được gần 2.239 dự án đến từ các cơ sở giáo dục ĐH; 4.598 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp và hơn 1.299 dự án đến từ các trường THPT, THCS. Trong đó, 80% các dự án đã có sản phẩm và 20% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Trong số các dự án đoạt giải của cuộc thi, đã có những dự án nhận được đầu tư từ Nhà nước và đã được triển khai sản xuất tại một số địa phương.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, để các dự án khởi nghiệp thành công thì phải bắt đầu từ việc tư vấn nghề nghiệp, việc làm, giúp học sinh định hướng đúng đắn và khai phá tiềm năng của bản thân. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 – chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh thay vì chỉ truyền thụ kiến thức.
Đề cập thêm các giải pháp giúp các dự án khởi nghiệp khả thi, “không nằm trên giấy”, Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên, Bộ GD & ĐT Trần Văn Đạt cho hay, đội ngũ giáo viên giữ vai trò nòng cốt trong việc định hướng, truyền cảm hứng và trang bị kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh. Do đó, nâng cao năng lực giáo viên về tư vấn nghề nghiệp và khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để triển khai hiệu quả hoạt động khởi nghiệp từ trong nhà trường. TS Lê Thị Duyên (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) kiến nghị xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và khởi nghiệp. TS Vũ Đình Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh đề xuất phương pháp tư vấn hướng nghiệp cá nhân hóa, phù hợp với đặc điểm, năng lực và nguyện vọng của từng học sinh. Còn PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh 4.0, các dự án khởi nghiệp muốn phát triển thành công thì phải có sự sáng tạo khác biệt và làm chủ được công nghệ, mang lại lợi ích “ngay tức thì” cho cộng đồng…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/de-cac-du-an-khoi-nghiep-khong-nam-tren-giay-i765718/