Muốn làm nghề giữ trẻ, trước tiên cần phải giữ mình

Muốn giữ trẻ trước hết giáo viên phải biết giữ mình, giữ cái tâm trong sáng, giữ sự kiên nhẫn với những tiếng khóc và giữ cho bàn tay không hóa thành nắm đấm.

Chúng ta thường nói “giữ trẻ” - một cách gọi mộc mạc, giản dị nhưng hàm chứa niềm tin rất lớn: Giao con cho người khác chăm nom, dạy dỗ, như gửi cả thế giới nhỏ bé vào tay người giữ trẻ. Thế nhưng, niềm tin ấy đang ngày một sứt mẻ khi những hình ảnh bạo hành trẻ em trong môi trường mầm non cứ liên tiếp dội vào dư luận như một cái tát lạnh lùng.

Không cần phải nhắc lại chi tiết những đoạn clip ám ảnh được trích xuất từ camera lớp học - từ Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh tới Hà Nội. Dư luận chưa kịp nguôi giận với một vụ việc thì một vụ khác lại xảy ra, thậm chí còn tàn nhẫn hơn. Trẻ bị tát, bị xách cổ, bị đạp ngã dúi dụi. Càng xem càng nghẹn thở. Càng đọc càng căm phẫn.

Trong khi đó, sự bất lực lớn nhất của một đứa trẻ là không thể phản kháng, không thể kêu cứu và càng đau đớn hơn - không thể kể lại những gì mình đã trải qua. Điều đó khiến nhiều vụ việc chỉ được phát hiện sau khi phụ huynh xem lại camera hoặc khi thương tích trên người trẻ đã trở nên rõ ràng. Vậy thử hỏi, có bao nhiêu vụ chưa từng bị phát hiện, có bao nhiêu tiếng khóc đã tắt lịm sau cánh cửa lớp học?

Một vụ bạo hành trẻ xảy ra tại tỉnh Quảng Nam

Một vụ bạo hành trẻ xảy ra tại tỉnh Quảng Nam

Tại sao những người được đào tạo sư phạm, được trao trách nhiệm trông giữ và nuôi dạy trẻ lại có thể hành xử như vậy?. Họ viện cớ “áp lực công việc”, “trẻ không nghe lời”, “lúc đó mất kiểm soát",... để biện minh cho những tội lỗi của mình. Đó là những lý do không thể và không bao giờ được chấp nhận. Người lớn có quyền gì để dùng bạo lực với trẻ nhỏ, trong khi chính họ là người nắm giữ quyền lực và tri thức?. Nếu không giữ nổi cảm xúc cá nhân, không đủ đạo đức nghề nghiệp, xin đừng giữ trẻ!

Không chỉ trẻ em gánh chịu hậu quả, mà cả phụ huynh mất niềm tin vào trường lớp. Giáo viên chân chính bị vạ lây, tổn thương danh dự. Một ngành giáo dục mầm non vốn đã nhiều áp lực nay càng thêm méo mó trong con mắt người dân.

Tại Gia Lai, nơi có nhiều trường ở vùng sâu vùng xa, điều kiện giám sát hạn chế, nỗi lo càng lớn. Là một phụ huynh có con trai 1,5 tuổi, chị Nguyễn Thị Hạnh (TP. Pleiku) tâm sự: “Cứ mỗi lần muốn đưa con đi gửi trẻ để có thời gian làm việc thì tôi lại đọc được thông tin về các vụ bạo hành trẻ xảy ra ở lớp học. Rồi tôi lại suy nghĩ con còn nhỏ, chưa biết kể lại, nếu chẳng may bị bạo hành thì phải làm sao. Vì nghĩ nhiều, lo sợ nhiều nên tôi vẫn chưa dám cho con tới lớp".

Còn chị Nguyễn Thị Hương Ly - một phụ huynh khác ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) lại cho rằng: "Ở thành phố, một số lớp còn có camera, còn ở huyện đa phần đều không có. Nếu con có dấu hiệu bị bạo hành, giáo viên sẽ chỉ bị nhắc nhở nếu không có bằng chứng rõ ràng. Từ đó mà nỗi sợ, sự nghi ngờ luôn tồn tại trong mỗi người phụ huynh như chúng tôi".

Ngoài ra, nhiều giáo viên mầm non tử tế cũng cảm thấy bị xúc phạm. Cô Trần Thị Thủy (TP. Pleiku) chia sẻ: “Một vài người làm sai khiến cả nghề bị nhìn bằng ánh mắt nghi ngờ. Chúng tôi yêu trẻ thật lòng, nhưng áp lực từ định kiến khiến công việc càng thêm nặng nề.”

Rõ ràng, không thể để những “con sâu” tiếp tục phá hoại cả ngành giáo dục mầm non. Cần một hệ thống sàng lọc nhân sự nghiêm ngặt, cả về năng lực lẫn đạo đức. Cần có cơ chế kiểm tra độc lập, giám sát thường xuyên - không chỉ ở các thành phố lớn mà cả vùng sâu, vùng xa. Và đặc biệt, phải có hình phạt thích đáng, mang tính răn đe, không nhân nhượng.

Giữ trẻ không phải là “giữ cho khỏi chạy loạn” mà là giữ an toàn, giữ nhân cách, giữ quyền được yêu thương. Và muốn làm được điều đó, người lớn - từ giáo viên đến cán bộ quản lý trước hết phải biết giữ mình. Giữ cái tâm trong sáng. Giữ sự kiên nhẫn với những tiếng khóc. Giữ cho bàn tay không hóa thành nắm đấm. Và giữ cho môi trường giáo dục mầm non đúng nghĩa là nơi gieo yêu thương chứ không phải nơi gieo sợ hãi.

Thạc sĩ - Luật sư Lê Đình Quốc - Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai cho biết: Bạo hành trẻ em được hiểu là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em.

Trong đó, bạo lực thể chất là hành vi dùng vũ lực với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của người khác. Bạo lực tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm, bạo lực tâm lý. Hành vi bạo lực tinh thần có thể bao gồm: Chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề; gây áp lực thường xuyên về tâm lý hoặc hành động khác gây tổn thương tinh thần.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Luật Trẻ em 2016, bạo lực đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm. Do đó, hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tùy vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiền Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/muon-lam-nghe-giu-tre-truoc-tien-can-phai-giu-minh-383942.html