Để cán bộ không thể thu mình cầu an

Cán bộ cầu an, thu mình có thể không làm sai, nhưng nếu không dám nghĩ, dám làm thì sao có thể tạo ra được đột phá?

Tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cuối tuần qua, nhiều nội dung kiến nghị của TP.HCM đã được các Bộ, ngành phân tích, mổ xẻ.

Có một nội dung rất đáng chú ý là tại cuộc làm việc này, rất nhiều ý kiến đề cập đến thực trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức của TP.HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cuối tuần qua. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cuối tuần qua. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Theo đó, ngoài vấn đề khách quan, hai vấn đề lớn nhất của TP.HCM phải giải quyết là niềm tin thị trường, tâm lý xã hội và sự e dè, sợ hãi, sợ trách nhiệm của cán bộ. Nếu không giải quyết được ngay, sẽ không tạo được đột phá cho thành phố những quý sắp tới.

Dẫn chứng cho thấy tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi và Bộ KH&ĐT phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói đây, hầu hết là vấn đề thuộc thẩm quyền TP.HCM.

Lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết, một bộ phận lãnh đạo công chức, viên chức chưa thực sự tích cực trong công việc, thiếu tính chủ động, sáng tạo; thiếu quyết tâm cao trong thực thi công vụ. Ban Thường vụ Thành ủy TP sẽ có chỉ thị chấn chỉnh tình trạng này.

Theo thống kê, quý I năm nay, kinh tế TP.HCM chỉ tăng trưởng 0,7%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Đây là điều chưa từng xảy ra với thành phố vốn là đầu tàu tăng trưởng của cả nước.

Trong nhiều nguyên nhân, việc TP.HCM chỉ giải ngân 4% trong quí I cũng là một nguyên nhân quan trọng. Theo đó, TP.HCM chỉ giải ngân được 1.608 tỷ đồng trong tổng số hơn 43.400 tỷ đồng đã phân bổ. Có 25/61 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân 0%; 5/61 chủ đầu tư giải ngân 1%; 14/61 đơn vị giải ngân chỉ từ 2 - 6%.

Liệu có nguyên nhân nào từ tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức hay không? Câu trả lời có lẽ là có!

Thật ra, câu chuyện cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm, thu mình cầu an là thực trạng đã được nhắc đến rất nhiều thời gian qua. Nó không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương, lĩnh vực khác.

Công việc cần giải quyết thì nhiều và không thể trì hoãn, nhưng lắm lúc, lắm nơi không ai dám quyết và không ai chịu quyết. Có những việc đáng ra chỉ cần giải quyết ở cấp phòng, cấp sở nhưng vẫn bị “đá bóng” lên cho cấp cao hơn. Điều này khiến công việc bị trì trệ, không ít các cơ hội để phát triển bị bỏ lỡ.

Cán bộ cầu an, thu mình thì có thể không làm sai, nhưng nếu không dám nghĩ, dám làm thì sao có thể tạo ra được đột phá?

Tất nhiên, khi pháp luật chưa cụ thể hóa, chưa tạo được ra một khuôn khổ để khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến tâm lý sợ trách nhiệm, sợ làm sai còn tồn tại.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Trong khi chờ Nghị định ban hành, các địa phương cần phải chủ động hơn, xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan đến cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với khả năng, năng lực, cũng như nhiệt huyết để không ai còn thu mình cầu an.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý khi kết luận tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM: “TP phải rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm không dám làm hoặc tiêu cực, tham nhũng”.

TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính VN

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-can-bo-khong-the-thu-minh-cau-an-d588199.html