Để cán bộ muốn làm sai cũng khó!
Một trong những mục tiêu phát triển giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được xác định trong Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI là tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, người dân mong đợi thành phố có đánh giá, thiết kế lại toàn bộ quy trình làm việc và ra quyết định trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến đất đai. Điều này nhằm đảm bảo cán bộ có muốn làm sai cũng khó.
Thiết kế lại quy trình làm việc, ra quyết định
Theo dự thảo, nhiệm kỳ qua, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được Đảng bộ TPHCM coi trọng thực hiện và hiệu quả được nâng lên. Cụ thể, qua chủ động kiểm tra, giám sát đã phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm, góp phần phục vụ tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, TPHCM thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy (về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước) đã có tác dụng thiết thực, góp phần tích cực vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Từ việc chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giám sát, kỷ luật, TPHCM đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều cán bộ có sai phạm. Song, điều đáng buồn là không ít cán bộ ở vị trí cao của thành phố đã bị kỷ luật, xử lý ở những mức độ khác nhau do có sai phạm trong quá trình thực thi các nhiệm vụ công. Cán bộ giữ nhiệm vụ quan trọng, trọng trách lớn thì phạm vi ảnh hưởng càng lớn. Thiệt hại gây ra không chỉ gây lãng phí ngân sách (cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ) mà còn làm giảm sút uy tín của Đảng. Do đó, nhiệm kỳ tới, Đảng bộ và chính quyền TPHCM cần quan tâm đặc biệt hơn nữa đến nội dung này.
Một câu hỏi cần được đặt ra là, liệu những sai phạm của các cán bộ xuất phát từ việc quy hoạch, lựa chọn và đào tạo cán bộ? Tôi cho rằng, nếu có thì đây cũng là nguyên nhân thứ yếu. Bởi vì, nếu công tác quy hoạch, lựa chọn cán bộ chưa chặt chẽ thì số lượng cán bộ sai phạm cũng chỉ ở mức độ cá biệt. Theo tôi, những sai phạm của các cán bộ trong thời gian qua, xuất phát từ cơ chế làm việc và giám sát quá trình làm việc, cũng như ra quyết định của các cán bộ ấy. Nếu quy trình thực hiện chặt chẽ thì chắc chắn sẽ ngăn ngừa, giảm thiểu được những sai phạm. Do đó, tôi mong đợi Đảng bộ và chính quyền thành phố cần đánh giá, thiết kế lại toàn bộ quy trình làm việc và ra quyết định trên các lĩnh vực, nhất là với những lĩnh vực nhạy cảm như đất đai. Yêu cầu đặt ra là quy trình được thế kế lại để đảm bảo cán bộ có muốn làm sai cũng khó.
“Chẩn bệnh” đúng để ngăn ngừa
Vậy làm thế nào để muốn sai cũng khó? Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nêu ra nhiều biện pháp ngăn ngừa những sai phạm của cán bộ. Đó là giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu của từng Đảng bộ, đến từng Chi bộ cơ sở. Đồng thời, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức gắn với công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá thường xuyên, định kỳ, thực chất cũng như đổi mới phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Cùng với đó là tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm…
Những giải pháp trên là rất cần thiết. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần xem xét bổ sung thêm giải pháp với yêu cầu quan trọng là các giải pháp đó có thỏa mãn được 3 nguyên tắc trong phòng chống sai phạm của cán bộ công chức hay không. Đó là nguyên tắc không muốn làm sai, khó làm sai và không dám làm sai.
Theo tôi, TPHCM cần đặt ra các câu hỏi như liệu thành phố đã chăm lo cho đời sống của cán bộ công chức để họ không muốn làm sai, cốt mang lại lợi ích cho bản thân và lợi ích nhóm của họ? Liệu các quy trình làm việc và giám sát của TPHCM đã đủ chặt chẽ để cán bộ dù muốn cũng khó làm sai? Và liệu các hình thức xử lý, kỷ luật cán bộ sai phạm của TPHCM trong thời gian qua, đã đủ mức độ răn đe để họ không dám làm sai?
Để nhận diện đầy đủ những điều ấy, TPHCM cần giao cho các cơ quan đào tạo và nghiên cứu của thành phố, như: Học viện Cán bộ TPHCM, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nghiên cứu những sai phạm, thiếu sót của nhiều cán bộ của thành phố trong thời gian qua, xuất phát từ nguyên nhân nào là chủ yếu. Từ đó, có phân tích rõ liệu sai phạm của họ xuất phát từ vấn đề: suy thoái tư tưởng, từ phương thức kiểm tra giám sát chưa hợp lý, hay từ quy trình công tác còn nhiều kẽ hở. Đồng thời, cũng làm rõ sai phạm đó có xuất phát từ cơ chế phát hiện và xử lý sai phạm của cán bộ chưa thật sự hiệu quả.
Nghĩa là, chúng ta cần phải dựa trên các phân tích khoa học, để có thể đưa ra các biện pháp ngăn ngừa hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ tới. Khi “chẩn bệnh” đúng - nguyên nhân của các sai phạm thì việc trị bệnh sẽ thật sự hiệu quả.