Để cán bộ ngành y không vướng vòng lao lý

Trong hai năm, cũng là từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, ở nước ta liên tiếp diễn ra các vụ việc lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế, sở y tế, thậm chí có cả cán bộ cấp cục, cấp Thứ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố, lãnh án tù vì hành vi câu kết thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật. Từ dư luận xã hội đến nghị trường Quốc hội đều 'nóng' với các ý kiến trái chiều từ năng lực quản lý, điều hành không cập của những thầy thuốc tài năng đến những bất hợp lý của cơ chế, chính sách hiện hành…

Ông Phạm Văn Học- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

(baophutho.vn) - Trong hai năm, cũng là từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, ở nước ta liên tiếp diễn ra các vụ việc lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế, sở y tế, thậm chí có cả cán bộ cấp cục, cấp Thứ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố, lãnh án tù vì hành vi câu kết thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật. Từ dư luận xã hội đến nghị trường Quốc hội đều “nóng” với các ý kiến trái chiều từ năng lực quản lý, điều hành không cập của những thầy thuốc tài năng đến những bất hợp lý của cơ chế, chính sách hiện hành…
Phóng viên báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Học- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng vương để có thêm góc tiếp cận về vấn đề này.

Đáng tiếc, nhưng… tất yếu!

PV: Thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trung ương đã vướng vào vòng lao lý do các hành vi sai phạm trong quá trình công tác. Đáng chú ý là những người này đều có quá trình cống hiến lâu dài trong ngành y, được đánh giá là những nhân tài, “bàn tay vàng” thực hành các thủ thuật cứu người. Ông có nhận định như thế nào về việc này?

Ông Phạm Văn Học: Thực sự đây là chuyện rất đáng tiếc, nhưng nếu nhìn nhận, phân tích tổng thể khách quan thì là một điều tất yếu bởi hai lý do. Thứ nhất, bất cứ cơ sở y tế cấp nào ở nước ta hiện nay, thông lệ để được cất nhắc làm lãnh đạo trước hết phải là một người có chuyên môn giỏi. Bác sĩ giỏi thì lên trưởng khoa, trưởng khoa giỏi thì lên phó giám đốc rồi giám đốc. Và khi lên đến vị trí giám đốc rồi thì sẽ không làm nhiệm vụ chuyên môn nữa mà tập trung làm quản lý. Trong khi đó, kiến thức, kỹ năng về công tác quản lý thường không được đào tạo hoặc đào tạo chắp vá. Thứ hai, cùng với hoạt động khám, chữa bệnh, một bệnh viện khi vận hành còn liên quan đến rất nhiều vấn đề như tài chính, kinh tế, đầu tư xây dựng, đấu thầu mua sắm, BHYT, BHXH… và để triển khai thực hiện, các giám đốc sẽ chủ yếu dựa vào chủ trương của ngành, Chính phủ, Nhà nước. Ví dụ, bệnh viện nào cũng cần và phải thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế… trong khi đó xã hội hóa như thế nào thì lại không được cụ thể bằng luật. Các lĩnh vực khác cũng tương tự với nhiều quy định bị bỏ ngỏ, thiếu chi tiết thậm chí còn tồn tại không ít kẽ hở…

Thực tế khi vận hành cơ sở y tế thì người đứng đầu dựa vào chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ đạo của cấp trên… nhưng khi có vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng sẽ điều tra, xử lý trên cơ sở quy định của luật pháp.

PV: Rất nhiều ý kiến, thậm chí trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, có đại biểu đã đưa ra ý kiến không nên lựa chọn các thầy thuốc giỏi chuyên môn nghiệp vụ vào vị trí lãnh đạo, quản lý cơ sở y tế. Theo ông, ý kiến này có thực sự chuẩn xác trong điều kiện thực tế hiện nay?

Ông Phạm Văn Học: Điều này là hoàn toàn đúng, tuy nhiên tôi thấy vẫn chưa đủ. Để tạo ra một môi trường y tế minh bạch, chúng ta cần xét về cơ cấu tổ chức hệ thống. Trước hết, y tế cần phải phân định rõ, công ra công tư ra tư. Với mô hình bệnh viện tư, doanh nghiệp sẽ tự lo nên chúng ta không cần bàn đến. Đối với y tế công cũng cần phân định, các cơ sở y tế quốc phòng an ninh, ngân sách bao cấp 100% nên hạch toán tài chính đơn thuần, giám đốc bệnh viện có thể đảm nhiệm được. Tuy nhiên, vẫn cần có giám đốc tài chính và tất nhiên người đó phải được đào tạo và am hiểu về tài chính.

Các cơ sở y tế dân sự bao gồm bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, trung ương… là đơn vị tự hạch toán (tự chủ) tức là đơn vị kinh doanh thì nhất thiết phải tách rời hai lĩnh vực chuyên môn y dược và quản trị kinh doanh. Chủ tịch Hội đồng quản trị phải là người có trình độ, am hiểu luật pháp, kinh tế, tài chính. Ở khối chuyên môn, giám đốc cần phải là bác sĩ và chỉ lo mảng chuyên môn. Không phải là không nên mà nhất thiết bác sĩ không bao giờ làm Chủ tịch HĐQT và ngược lại. Dù mang tính chất đặc thù đến đâu thì đã kinh doanh phải thực hiện và tuân thủ các nguyên tắc của Luật Doanh nghiệp, không thể để bác sĩ đi làm kinh doanh như hiện nay…

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương luôn tận tình chăm sóc bệnh nhân với những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật

PV: Chưa từng công tác trong ngành y, nhưng ông đã sáng lập và đảm nhận vị trí cao nhất của bệnh viện tư nhân duy nhất của tỉnh Phú Thọ, đưa đơn vị trở thành cánh chim đầu đàn của ngành y tế Đất Tổ, tạo được thương hiệu, niềm tin của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Yếu tố nào đã giúp ông và Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương có được thành công đó?

Ông Phạm Văn Học: Ngay từ khi thành lập, Bệnh viện của chúng tôi đã tách thành hai khối độc lập, đó là HĐQT và Ban Giám đốc. Trong đó, HĐQT có trách nhiệm lo về kinh doanh, tài chính, nhân sự, lao động tiền lương, Ban Giám đốc chỉ lo về chuyên môn. Chúng tôi luôn xác định và tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc: Liêm chính, minh bạch và thượng tôn pháp luật trong quản trị kinh doanh. Đối với mảng y dược phải tuân thủ các tôn chỉ mà Y tổ đã dăn dạy: “Giàu y đức, vững y thuật, tinh thông y lý”; thuộc và làm theo lời thề Hippocrates, luôn coi người bệnh là khách hàng đặc biệt, luôn đảm bảo an toàn và thỏa mãn các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của họ. Để chăm sóc khách hàng tốt nhất, chúng tôi phải tập trung nguồn lực chăm lo và đào tạo đội ngũ nhân viên y tế, đảm bảo cho họ phải có cuộc sống và thu nhập ổn định, làm việc trong môi trường an toàn, năng động. Rất khó để toàn tâm, toàn ý chăm sóc bệnh nhân với cái dạ dày trống rỗng, tận lực cống hiến khi suốt ngày bị đe dọa, o ép, lo lắng. Lãnh đạo cấp khoa, phòng, phó giám đốc, giám đốc phải do tập thể người lao động bầu chọn công khai và có thể thay thế khi không còn đủ uy tín. Ở Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, mọi nhân viên đều được tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát huy năng lực, sở trường của mình với chế độ đãi ngộ tương xứng.

PV: Có biện hộ cách nào thì các lãnh đạo, thầy thuốc có “bàn tay vàng” y thuật bị khởi tố thời gian gần đây đều đã “nhúng chàm”, có hành vi vi phạm pháp luật. Theo ông, để tránh những cạm bẫy, sa ngã trong công tác quản lý, điều hành các cơ sở y tế, người đứng mũi chịu sào cần phải chú trọng đến những yếu tố nào?

Ông Phạm Văn Học: Thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra đã đến lúc phải thay đổi. Tuyên truyền, vận động là rất cần thiết nhưng không thể cứ hô khẩu hiệu, tạo phong trào để các lãnh đạo ngành y nói riêng và lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị nhà nước tự giác liêm chính. Phải thay đổi cơ chế và luật pháp. Trước hết phải làm cho người có cơ hội tham nhũng không dám tham nhũng, không dám không đơn thuần là giác ngộ mà phải trả họ những khoản thu nhập phù hợp, để họ và gia đình sống được bằng thu nhập hợp pháp. Hiện nay thu nhập bình quân hợp pháp của một giám đốc bệnh viện khoảng 10 triệu đồng, mới chỉ đủ ăn, đủ mặc, chưa thể đáp ứng nhu cầu về phương tiện đi lại, chăm lo cho gia đình, dự phòng, tích lũy. Một bác sĩ học sáu năm, ra trường muốn được cấp chứng chỉ hành nghề phải đi thực tế 18 tháng, nộp 76 triệu đồng học phí, khi được biên chế lĩnh lương khoảng 4,5 triệu đồng, quá thấp so với sự đầu tư, công sức, trí tuệ của họ.

Do đó, cần phải đãi ngộ tương xứng, tạo thu nhập hợp pháp đủ trang trải nhu cầu cuộc sống và tích lũy, khi đó cán bộ lãnh đạo, nhân viên y tế sẽ không dám tham nhũng, không dám “nhúng chàm” nữa. Cùng với đó, luật pháp phải đủ chặt chẽ để nếu ai đó muốn tham nhũng cũng không thể. Thực tế hiện nay, các quy định về luật vẫn còn kẽ hở. Ví dụ, hiện tại 100% các thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc, sinh phẩm… do các doanh nghiệp tư nhân sản xuất hoặc nhập khẩu và phân phối trong nước nhưng các chứng từ hải quan, các hóa đơn đầu vào đều thuộc loại “bí mật của doanh nghiệp” có những thiết bị nhập khẩu 10 tỉ, bệnh viện tư nhân mua một giá trong khi bệnh viện nhà nước mua một giá. Để chấm dứt tình trạng mập mờ này, Nhà nước cần ban hành những quy định cụ thể, yêu cầu công khai, minh bạch, lúc đó có muốn thổi giá, đội giá, gửi giá, “ảo thuật” đấu thầu đấu giá… cũng không được và như vậy là muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được. Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo trong các cơ sở y tế công hiện nay cũng còn nhiều bất cập, cần thay đổi theo hướng tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch bằng cách nâng cao hiệu quả hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm, hòm thư tố giác tham nhũng…

Kết hợp với các yếu tố đã nói ở trên, cần phải xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tạo sức răn đe mạnh mẽ trong xã hội.

Nhìn thẳng vào thực tế, quyết liệt thay đổi, xử lý từ gốc rễ vấn đề, chúng ta sẽ loại trừ được những “cạm bẫy” cơ chế, loại trừ tham nhũng, tiêu cực, phát triển nhân tài, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế.

PV: Cảm ơn ông về những trao đổi thẳng thắn này. Chúc ông và các đồng nghiệp luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương không ngừng phát triển lớn mạnh, tích cực đóng góp cho xã hội, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Vũ Thanh (thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202111/de-can-bo-nganh-y-khong-vuong-vong-lao-ly-181120