Đề cao giá trị gia đình

Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện để vừa giỏi việc trường vừa đảm việc nhà, đóng góp xây dựng nhà trường ổn định, phát triển, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Nhiều nhà giáo đã khắc phục khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Đẩy mạnh các hoạt động

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam, trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp và Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu trao Giấy khen cho các gia đình đạt danh hiệu Gia đình nhà giáo Thủ đô tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2019 - 2020.

Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp và Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu trao Giấy khen cho các gia đình đạt danh hiệu Gia đình nhà giáo Thủ đô tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2019 - 2020.

Mỗi nhà giáo với trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành công dân tương lai cho đất nước; trong hoạt động giảng dạy và giáo dục, bản thân các thầy cô và gia đình luôn là tấm gương phản chiếu quá trình giáo dục của mình. Vì vậy “nhà giáo mẫu mực” không chỉ mẫu mực trong mỗi bài giảng, trong cách ứng xử trong nhà trường, xã hội mà trước hết phải mẫu mực trong gia đình. Phát huy truyền thống ấy, thời gian qua, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện để vừa giỏi việc trường vừa đảm việc nhà, đóng góp xây dựng nhà trường ổn định, phát triển, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Nhiều nhà giáo đã khắc phục khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Năm học 2019 - 2020, thực hiện hướng dẫn của Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội về việc triển khai thực hiện phong trào “Xây dựng gia đình Nhà giáo tiêu biểu”, các công đoàn cơ sở đã có nhiều hình thức tuyên truyền trong cán bộ giáo viên, nhân viên và có nhiều hoạt động ý nghĩa trong phong trào “Xây dựng gia đình Nhà giáo tiêu biểu” gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động như: “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Xây dựng Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”, “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, Cô giáo người mẹ hiền”, phong trào thi đua “Hai tốt”.

Đồng thời, các công đoàn cơ sở đã sáng tạo, đổi mới các hoạt động thiết thực nhằm gắn kết các gia đình nhỏ trong một gia đình lớn là công đoàn các trường, tạo môi trường thuận lợi để giao lưu học hỏi giữa các thành viên trong một gia đình hay các gia đình với nhau. Theo đó, các công đoàn cơ sở đã tổ chức gặp mặt tất niên hàng năm cho các gia đình hay các gia đình đi du xuân, giao lưu 8/3, 20/10… Nhiều trường cũng mời chuyên gia tâm lý về nói chuyện với chủ đề hạnh phúc gia đình.

Đặc biệt, 100% công đoàn cơ sở tổ chức tặng quà cho con em cán bộ giáo viên, nhân viên có thành tích tốt trong học tập bằng nhiều hình thức nhằm động viên các cháu và cán bộ giáo viên, nhân viên đang say sưa với ngành nghề của mình. Ngoài thăm hỏi ốm đau tứ thân phụ mẫu, một số công đoàn cơ sở còn quan tâm đến phụ huynh các cán bộ giáo viên, nhân viên các dịp Tết, tặng quà chúc thọ các cụ ngoài 70 tuổi…

Xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho biết: Nhằm động viên, khích lệ các nhà giáo trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, năm 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền biểu dương các gia đình nhà giáo tiêu biểu.Các đồng chí trước hết là các nhà giáo có năng lực đạt thành tích trong công tác ở cơ quan, đơn vị, trường học; đồng thời cũng đóng vai trò tích cực trong công tác xây dựng gia đình hạnh phúc, dạy dỗ các con ngoan, học giỏi, thành đạt. Trách nhiệm trước gia đình, yêu trường, mến trẻ, tận tâm với nghề nghiệp đó là phẩm chất của một nhà giáo mẫu mực.

Có thể kể đến cô giáo Nguyễn Thị Duyên (giáo viên trường Trung học phổ thông Mỹ Đức B, huyện Mỹ Đức) nhiều năm liên tục đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giỏi việc trường - đảm việc nhà. Cô đã cùng chồng nuôi dạy hai con trai học giỏi, đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hay như cô giáo Phùng Thị Thu Hiền (giáo viên trường Trung học phổ thông Vân Cốc, huyện Phúc Thọ) tích cực tham gia các hoạt động của trường và công đoàn, trong gia đình luôn cảm thông chia sẻ, hỗ trợ cùng chồng chăm sóc mẹ già và nuôi dạy con. Hai con của cô giáo Hiền nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, được nhận nhiều giấy khen cấp huyện, cấp thành phố.

Là một trong 61 gia đình nhà giáo Thủ đô tiêu biểu vừa được Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội biểu dương, thầy giáo Đặng Anh Hiếu (Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi, quận Long Biên) chia sẻ: "Bản thân tôi gia đình hạnh phúc đơn giản chỉ là khi hai vợ chồng cùng nhau cố gắng lao động, cống hiến hết mình trong sự nghiệp đã lựa chọn; đồng thời được cùng nhau chăm sóc những đứa con, dìu dắt chúng tập đi và được nhìn từng bước trên con đường đời mà các con đã lựa chọn. Cuộc sống không tránh khỏi có những thời khắc khó khăn, chúng ta phải ở bên nhau, sát cánh, động viên nhau vượt qua những khó khăn đó".

Trong việc chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình, nhiều nhà giáo sống trong gia đình có nhiều thế hệ đã luôn chu đáo chăm lo phụng dưỡng bố mẹ già, chăm sóc nuôi dạy con hiếu thảo.

Chẳng hạn như gia đình thầy giáo Nguyễn Danh Thông (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hoài Đức B, huyện Hoài Đức) có 4 thế hệ cùng chung sống. Hai vợ chồng đều là cán bộ quản lý giáo dục, trong gia đình luôn thể hiện bình đẳng giới, cùng nhau san sẻ công việc gia đình, tạo môi trường tốt cho con cháu vui vẻ, yên tâm học tập, công tác, được họ hàng, lối xóm quý mến, tôn trọng.

Dù có chồng là bộ đội biên phòng thường xuyên đi công tác xa nhà nhưng cô giáo Khuất Thị Thu (giáo viên trường Trung học phổ thông Minh Quang, huyện Ba Vì) luôn khắc phục mọi khó khăn, sắp xếp công việc ở trường, ở nhà hợp lý, chăm sóc mẹ già và hai con nhỏ ngoan ngoãn, học giỏi.

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ (Phó Hiệu trưởng Trường Cao Bá Quát - Quốc Oai) có chồng công tác xa nhà. Làm công tác quản lý nhà trường vất vả nhưng cô vẫn sắp xếp việc trường, việc nhà chu đáo, chăm sóc cha mẹ và dạy dỗ hai con ngoan ngoãn, học giỏi.

Ý nghĩa hơn, nhiều nhà giáo tham gia công tác quản lý, cán bộ công đoàn công việc vất vả nhưng vẫn cố gắng dành thời gian chăm sóc vun trồng cho tổ ấm của mình.

Tiêu biểu như tấm gương cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan (Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi - Ba Đình). Cô đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong công tác quản lý. Trong gia đình, cô luôn cảm thông chia sẻ, hỗ trợ cùng chồng chăm sóc mẹ già và nuôi dạy con. Hai con của cô Phương Lan nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, đạt được nhiều giấy khen cấp quận, thành phố. Thầy giáo Nguyễn Nhân Nghĩa (Chủ tịch Công đoàn trường Trung học phổ thông Hồng Thái, huyện Đan Phượng) với hai thế hệ trong gia đình đều là nhà giáo luôn tích cực trong công tác chuyên môn và công tác công đoàn, được nhiều Giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành và địa phương.

Thầy giáo Ngô Đắc Năm (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Liên Hà, huyện Đông Anh) là tấm gương mẫu mực tại gia đình và nhà trường, có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

P.T

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-cao-gia-tri-gia-dinh-109861.html