Đề cao quyền lợi nhà giáo
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT ngày 30/11/2021.
Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập (Thông tư số 34) đã nhận được phản hồi tích cực từ phía giáo viên.
Lâu nay, vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên luôn nhận được sự quan tâm của đội ngũ thầy, cô giáo và dư luận xã hội. Có thời điểm trở thành từ khóa “nóng” và đến nay vẫn chưa hết tính thời sự. Vì thế, ngay sau khi Thông tư được ban hành, trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến bình luận; trong đó đại đa số ghi nhận: Thông tư đã hướng đến quyền lợi của đội ngũ thầy, cô giáo.
Ngoài yếu tố kế thừa, Thông tư số 34 có nhiều điểm mới: Gộp chung quy định về điều kiện thi và xét thăng hạng giáo viên các cấp; Giảm thời gian xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ để được thăng hạng; Bổ sung thêm điều kiện thăng hạng giáo viên; Nội dung, hình thức xét thăng hạng áp dụng chung cho tất cả cấp học; Thay đổi về điểm chấm hồ sơ xét thăng hạng; Không còn được cộng điểm tăng thêm khi xét hồ sơ thăng hạng.
Qua đó thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo. Điều này khẳng định, việc biên soạn và phát hành văn bản quy phạm pháp luật được dựa trên yếu tố thực tiễn. Chẳng hạn, Thông tư nêu rõ: Giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện.
Có thể hiểu, dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn là quyền lợi chính đáng của nhà giáo và tất nhiên cũng không phải là yêu cầu bắt buộc với các thầy, cô. Nói không sai, khi nhiều giáo viên nhận xét, các quy định của Thông tư lần này khá mở và hướng đến quyền lợi của giáo viên, tạo điều kiện để họ tự khẳng định vị thế của mình với học trò, đồng nghiệp, rộng hơn là với xã hội.
Tuy nhiên, quy định “mở” không có nghĩa là “thả nổi”. Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp chỉ được thực hiện khi giáo viên có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và có nhu cầu.
Thực tế cho thấy, Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Giáo viên được coi là nhân vật trung tâm của đổi mới giáo dục. Vì thế, đã có nhiều chính sách tập trung đổi mới toàn diện, trong đó chú trọng chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo. Thông tư số 34 được nhiều người trong và ngoài ngành Giáo dục đánh giá, ghi nhận là đã bám sát mục tiêu trên.
Trong giai đoạn đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, với phương châm lấy học sinh làm trung tâm, thì chúng ta cần tiếp tục lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy, cô giáo làm động lực để thực hiện thành công mục tiêu này.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/de-cao-quyen-loi-nha-giao-V9dVdJh7R.html