Đề cao tính tự chịu trách nhiệm của bộ, ngành trong quản lý tài liệu lưu trữ
Thảo luận về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Phạm Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định cụ thể thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên ngành cần phải đề cao tính tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành.
Sáng 24-5, tại kỳ họp thứ bảy, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương, 65 điều.
Cho rằng ý kiến của một số đại biểu đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh là xác đáng, ông Bùi Văn Cường nêu, dự thảo Luật quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (Khoản 4, Điều 10 của dự thảo Luật), đồng thời chỉnh lý quy định tại Điều 18 về cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nêu nhiều cơ quan cấp tỉnh chỉ bố trí một người vừa làm văn thư, vừa làm lưu trữ. Thời gian làm việc trong ngày chỉ dành cho công tác văn thư, nhiệm vụ lưu trữ gần như bỏ ngỏ. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở cấp xã. Do đó, đại biểu đề nghị phải có giải pháp quy định mang tính thực tiễn để giải bài toán về nguồn nhân lực đáp ứng công tác lưu trữ tại các cơ quan đơn vị, trong đó bao gồm cả cấp xã.
Góp ý của đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) tập trung vào quy định tại Khoản 5 Điều 15 của dự thảo Luật. Theo đại biểu, quy định “Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước sau khi có ý kiến của Bộ Nội” còn chưa phù hợp bởi lẽ cần phải đề cao tính tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng không đủ nhân lực để nắm bắt được các đặc thù quản lý nhà nước mỗi bộ, ngành để cho ý kiến.
Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận định, vấn đề đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nêu phù hợp và cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý tài liệu lưu trữ.
Theo Bộ trưởng, về nguyên tắc chung, Luật lưu trữ (sửa đổi) lần này tập trung phân cấp, phân quyền, phân định cụ thể, rành mạch phù hợp với yêu cầu chức năng từng cấp, từng ngành, tính chất đặc thù một số ngành như quốc phòng, công an nhưng cũng phải bám vào tính chất và đặc thù của hoạt động lưu trữ. Ngoài ra, việc phân cấp cũng phải bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy và trách nhiệm từng chủ thể quản lý lưu trữ.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu, 13 lượt đại biểu phát biểu ý kiến thể hiện trách nhiệm cao và rất thiết thực, về nội dung các điều khoản cụ thể và kỹ thuật lập pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, giải trình chi tiết những ý kiến của đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo Luật với chất lượng cao nhất, trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.