Đề cao trách nhiệm hội viên nông dân vì sức khỏe cộng đồng

Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đề cao trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng vì sức khỏe cộng đồng.

Hàng năm, các cấp hội nông dân trong tỉnh đều phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân, trong đó có nội dung về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng xây dựng và nhân rộng những mô hình chăn nuôi, trồng rau, trồng chè an toàn. Tiêu biểu như: HTX Sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ (Sơn Dương), Cơ sở chế biến chè Sử Anh, xã Phú Lâm (Yên Sơn), HTX chè xanh Làng Bát (Hàm Yên), HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) với chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo với nhiều HTX, tổ hợp tác ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình... Từ đó giúp nâng cao ý thức, tư duy sản xuất tiên tiến tạo ra những thực phẩm an toàn cung ứng cho thị trường.

Lựa chọn hướng phát triển chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại thành công cho hội viên nông dân Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX Sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung ở thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ (Sơn Dương). Anh Sáng chia sẻ, sản xuất thực phẩm an toàn cũng chính là bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, yếu tố sống còn để khẳng định uy tín, phát triển bền vững của cơ sở. Do đó, anh chọn đặt trang trại tại thôn Thượng Bản, xã Quyết Thắng (Sơn Dương) với quy mô rộng 20 ha, xa khu dân cư.

Lợn thịt của HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung (Sơn Dương)đảm bảo an toàn sinh học khi xuất chuồng.

Quy trình kiểm soát người ra vào trại, xe vận chuyển hàng, xuất bán lợn được thực hiện nghiêm ngặt từ khử trùng, tiêu độc, thời gian cách ly, hạn chế nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài. Trang trại của anh thường xuyên duy trì nuôi 270 lợn nái và 3.000 con lợn thịt. Lợn nái giống chuẩn nhập từ công ty chăn nuôi uy tín, lợn giống được anh giữ lại nuôi lợn thịt. Anh Sáng tự phối trộn thức ăn từ lúa, ngô, đỗ, dầu cá và một phần nhỏ cám vi lượng, tuyệt đối không dùng chất cấm trong chăn nuôi. Trung bình mỗi tháng, HTX của anh Sáng cung cấp cho thị trường trên 30 tấn lợn thịt đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sinh học.

Anh Lê Xuân Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) cho biết: Toàn phường có 760 hội viên, sinh hoạt ở 9 chi hội. Hội đã xác định công tác phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn là nhiệm vụ thường xuyên. Hội đã lồng ghép thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm những mô hình sản xuất an toàn ở trong và ngoài tỉnh. Hội Nông dân phường đang triển khai 2 dự án là dự án nuôi bò, dự án trồng rau an toàn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân. Tất cả 16 hộ tham gia hai dự án trên đều cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bò, trồng rau không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng.

Gia đình ông Hoàng Trần Khiết, tổ 9, phường Ỷ La có diện tích trồng rau sạch rộng gần 4.000 m2. Ông Khiết khẳng định: “Mình mà hám lời trước mắt sẽ không làm ăn bền vững. Muốn vậy mình phải có kiến thức, thay đổi tư duy canh tác an toàn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, cho chính mình nữa”. Ông Khiết chú trọng các khâu từ làm sạch đất, ủ phân chuồng hoai mục để bón lót, vừa cải tạo đất, hạn chế mầm bệnh. Ông ngâm đậu tương để thay phân đạm hóa học dùng thời kỳ bón thúc; dùng các bẫy nhử côn trùng gây hại thay vì phải phun thuốc, nếu bất đắc dĩ phải phun chỉ dùng thuốc có nguồn gốc sinh học, cách ly đúng hướng dẫn mới thu hoạch. Ông hạn chế trồng rau trái vụ, lựa chọn giống tốt nên hạn chế tối đa sâu bệnh.

Dự kiến trong tháng 12 này, Hội Nông dân tỉnh sẽ triển khai cho khoảng 90.000 chủ hộ nông dân trong tỉnh ký cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, có những nội dung cam kết cụ thể là tuân thủ nghiêm việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục cho phép; không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm… Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của hội viên nông dân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/de-cao-trach-nhiem-hoi-vien-nong-dan-vi-suc-khoe-cong-dong-125735.html