Đề cao tự chủ, hoàn thiện cơ chế, chính sách

Đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế là chính sách quan trọng và cũng là yêu cầu bức thiết đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Phát triển năng lực của người học theo chuẩn quốc tế hóa đi kèm với những chính sách thiết thực từ cơ quan quản lý nhà nước, sự nỗ lực đổi mới của các cơ sở giáo dục chính là những giải pháp tạo đà đột phá...

Xóa bỏ những rào cản

Nhân lực trình độ quốc tế đòi hỏi phải được đào tạo toàn diện, có kiến thức hội nhập và kỹ năng ngoại ngữ, có gắn kết với doanh nghiệp, trải nghiệm thực tế… Tại nhiều hội thảo, tọa đàm gần đây liên quan chủ đề này, giới chuyên gia nhận định, chương trình đào tạo hiện nay được thiết kế hiện đại, có tính thực tiễn và được các tổ chức quốc tế công nhận. Chất lượng sinh viên đầu vào cao, sinh viên tốt nghiệp được xã hội đánh giá cao, đặc biệt là về chuẩn tiếng Anh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ. Theo TS Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh thì hiện số lượng chương trình liên kết quốc tế được triển khai còn ít, chưa tương xứng với tiềm lực phát triển của các trường đại học (ĐH), chưa xây dựng được cơ chế thu hút và phát huy năng lực đội ngũ. Tại TP Hồ Chí Minh, hiện chỉ có 15/54 trường ĐH và cơ sở giáo dục được kiểm định bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức quốc tế; chỉ có 117 chương trình đào tạo trong nước được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế… Ngoài ra, học phí các chương trình quốc tế cao hơn chương trình đại trà, chưa có hệ thống chính sách và luật pháp đồng bộ cho các cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, nguồn lực để phục vụ việc đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế còn thiếu và yếu... Đây chính là những rào cản cần được tháo gỡ.

 Giờ thực hành của sinh viên ngành dược, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh.

Giờ thực hành của sinh viên ngành dược, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh.

Theo TS Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức (Bình Dương): Các địa phương chưa có chính sách, quy định đồng bộ cho các cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, chưa có định hướng cụ thể cho quốc tế hóa giáo dục ĐH. Hiện nay, các trường đều tự tìm tòi, từ việc liên kết đào tạo quốc tế, xây dựng chiến lược kiểm định chất lượng, đến trao đổi sinh viên và giảng viên… Muốn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cần có khung pháp lý rõ ràng nhằm thúc đẩy quá trình quốc tế hóa, hợp tác giáo dục xuyên quốc gia.

Xu hướng quốc tế hóa giáo dục

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thị trường lao động đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi các chương trình đào tạo trong nước phải liên tục cập nhật, đổi mới, dự đoán được xu hướng phát triển ngành nghề trong tương lai để giúp người học bắt kịp xu hướng phát triển. PGS, TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đặt ra 3 vấn đề cấp thiết đối với các cơ sở đào tạo, đó là phải đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế, đáp ứng sự thay đổi và phát triển. Cùng với sự chủ động của các đơn vị đào tạo, với quan điểm giáo dục theo định hướng thị trường, các địa phương cũng là đối tượng khách hàng sử dụng nhân lực. Vì vậy, địa phương nên có cơ chế toàn diện để đặt hàng các đơn vị đào tạo. Trong khi chờ các chính sách tối ưu từ các cấp, tính tự chủ cao là yếu tố quan trọng để các trường, nhất là bậc ĐH xây dựng các chính sách, cơ chế, công cụ thúc đẩy tính quốc tế hóa trong đào tạo. Trách nhiệm của trường ĐH là cần có chiến lược đổi mới hệ thống quản trị theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế, khuyến khích tự do học thuật và bồi đắp năng lực đổi mới sáng tạo của giảng viên và sinh viên. Đặc biệt, phải chú trọng đến thực tập ở môi trường thực tế và trải nghiệm quốc tế của sinh viên. Ở cấp cơ sở giáo dục ĐH, cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, thay đổi phương thức giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của người học, cung cấp cấp kỹ năng quan trọng trên nền tảng công nghệ thông tin và kết nối chặt chẽ với tiêu chuẩn quốc tế”.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong triển khai các chương trình đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam, ông Alan Malcolm, Tổng giám đốc khu vực châu Á, Tập đoàn Pearson cho rằng, lực lượng lao động Việt Nam nói chung cần được trang bị những kỹ năng cần thiết, trong đó tiếng Anh được xem là “chìa khóa” để có thể nắm bắt những cơ hội từ hội nhập quốc tế. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho công tác dạy và học tiếng Anh tại các trường học và cơ sở giáo dục; đồng thời đưa ra những chính sách hướng đến khuyến khích và mở rộng đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho các đối tượng người học.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ có chương trình hành động cụ thể về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, ở một số lĩnh vực chọn lọc, như: Công nghệ và trí tuệ nhân tạo; tự động hóa và người máy; y tế; quản trị doanh nghiệp; tài chính-ngân hàng, du lịch. UBND thành phố nghiên cứu thành lập hội đồng tư vấn về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài; có cơ chế tài chính, hỗ trợ người học trường chất lượng cao, có chương trình cho vay kích cầu đối với các trường có định hướng đào tạo trình độ quốc tế.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-cao-tu-chu-hoan-thien-co-che-chinh-sach-590953