Đề cập vấn đề 'nóng' về ứng xử với cha mẹ, đề thi học sinh giỏi Văn 'làm mưa làm gió' mạng xã hội
Với đề thi sát thực tế, cũng là cơ hội để học sinh bày tỏ quan điểm, tâm tư tình cảm của mình, đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 9 cấp tỉnh Quảng Nam đang gây sốt mạng xã hội.
Trong đề thi, câu 1 với 8 điểm là nghị luận xã hội có nội dung:
a. Trong bộ phim "Repply 1988" sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái tên Duk Sun, người bố giãi bày: Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.
b. Trong bài viết: Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!, nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ:
Mẹ tuy nhiều tuổi hơn nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa.
Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ".
Ông Lê Văn Hiệp, Phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, đề thi đang được mạng xã hội quan tâm là đề thi học sinh giỏi lớp 9 của tỉnh diễn ra vào ngày 19/4 vừa qua. Ông Hiệp nhận định đề thi cập nhật được vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra, hiện nay giới trẻ, nhiều học sinh ỷ lại bố mẹ, đòi hỏi bố mẹ quá nhiều. Từ đó, nhiều học sinh quên đi sự thấu hiểu đối với bố mẹ.
Sau khi đề văn được chia sẻ, trên các diễn đàn mạng, rất nhiều ý kiến đánh giá cao về đề thi này và cho rằng đề khá hay, đánh thức được nhận thức và quy nghĩ của học sinh.
Một giáo viên tại Hà Nội cho rằng đề thi không chỉ đề cập đến vấn đề đang được xã hội quan tâm, vừa mang tính thời sự cũng như khơi gợi, đánh thức sự thấu hiểu của con cái với cha mẹ - điều mà lâu nay, nhiều người làm con thường "bỏ qua", thậm chí nghĩ những điều cha mẹ làm (không vừa ý mình) là sai. Đó cũng là cơ hội để con cái bày tỏ lòng mình nhiều hơn, giúp con cái và cha mẹ xích lại gần nhau hơn. Bên cạnh đó, đề thi cũng giúp học sinh thể hiện được tư duy phản biện trong quá trình làm đề văn nghị luận xã hội.
Một phụ huynh bày tỏ: "Chỉ mong những đề thi không cứ là thi học sinh giỏi cũng sẽ ra đề mở, gần gũi với cuộc sống như thế này. Khi làm bài chắc hẳn các con sẽ có thời gian nhìn ngẫm lại những gì xảy ra trong cuộc sống của mình, sự hy sinh của cha mẹ dành cho mình. Đó cũng là cơ hội để các con bộc lộ tâm tư tình cảm của mình. Cha mẹ lúc nào cũng mong và làm những điều mà họ nghĩ là tốt nhất cho con cái mình. Có thể, đôi khi những điều đó bị con cái cho là sai, là lạc hậu, là không nghĩ cho con,... nhưng mong các con hãy đặt mình vào vị trí của cha mẹ để thấu hiểu hơn tấm lòng của những bậc sinh thành.
Nếu trong cuộc sống có điều gì khúc mắc hãy sẻ chia với cha mẹ, đặc biệt đừng im lặng, ngay cả những gì mình không hài lòng về cha mẹ, để cha mẹ có thể hiểu được mong muốn của con cái. Sự lắng nghe, thấu hiểu nhau từ hai phía sẽ giúp cho mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ tốt đẹp hơn, giúp con có cuộc sống hạnh phúc và phát triển một cách tốt nhất. Khi đó, cha mẹ không chỉ là cha mẹ, còn là người bạn có thể sẻ chia, đồng hành với con bất cứ chặng đường nào trong cuộc đời. Cũng chính cha mẹ và con cái mới là điểm tựa vững chắc nhất của nhau".
Em Nguyễn Văn Đạt, học sinh lớp 9 một trường THCS tại quận Long Biên chia sẻ: "Em rất thích đề thi này. Bởi, chúng em có thể trình bày quan điểm, nhận thức, suy nghĩ của chúng em về sự thấu hiểu của mình dành cho cha mẹ. Bài văn cũng như lời tâm sự chúng em muốn gửi đến cha mẹ. Đôi khi, chỉ vì sự ích kỷ mà mình mà chúng em nghĩ rằng những việc cha mẹ làm không tốt cho con, mà không đặt mình vào vị trí của cha mẹ để suy nghĩ. Em tin chắc rằng bố mẹ khi đọc cũng sẽ thấu hiểu chúng em hơn".