Để chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững

Sở NN&PTNT, UBND TX Đông Hòa và Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo Một số giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững, với sự tham dự của 110 hộ chăn nuôi các huyện Tây Hòa, Phú Hòa và TX Đông Hòa. Tại đây, các ngành chức năng và đông đảo bà con đã cùng bàn giải pháp để thúc đẩy ngành Chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững trong thời gian tới.

Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến tại hội nghị này.

CHỦ TỊCH HỘI CHĂN NUÔI THÚ Y TỈNH NGUYỄN HỮU BÁCH: Phát triển các giống gia cầm bản địa có lợi thế cạnh tranh

Hiện nay, người chăn nuôi gia cầm trong tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như giá thức ăn chăn nuôi cao, chưa chủ động được nguồn giống, đa số phải nhập ở các địa phương khác hoặc mua trôi nổi trên thị trường. Việc chăn nuôi còn mang tính may rủi, theo phong trào, chưa có tính dự báo để đầu tư phù hợp với nhu cầu thị trường. Đáng chú ý, sự cạnh tranh của các sản phẩm gia cầm từ các tỉnh bạn và nhập khẩu ngày càng cao khiến việc chăn nuôi gia cầm càng khó khăn, nhiều hộ phải ngừng hoặc giảm quy mô sản xuất.

Để vượt qua khó khăn và phát triển chăn nuôi gia cầm một cách bền vững, đã đến lúc người nuôi gia cầm phải có chiến lược đầu tư tốt hơn, không phát triển chăn nuôi theo phong trào, phải lựa chọn đối tượng nuôi có lợi thế cạnh tranh cao, được thị trường ưa chuộng.

Phú Yên đang có giống gà ta bản địa và gà lai nòi đang được người tiêu dùng ưa thích, giá bán cũng rất cao, có thời điểm cao hơn gấp 2-3 lần so với các giống gà công nghiệp, gà nuôi chuồng thông thường, đây là những lợi thế rất lớn. Cơ quan chức năng cần có đánh giá lại các cơ sở sản xuất giống gia cầm; chú trọng chọn giống, lai tạo theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng; tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống phù hợp, bảo đảm chất lượng; nghiên cứu sản xuất các giống đặc hữu có lợi thế của địa phương và có sức cạnh tranh với giống trong khu vực…

BÀ NGUYỄN THỊ NHƯ TRANG, CÁN BỘ CHI CỤC CHĂN NUÔI THÚ Y TỈNH: Muốn chăn nuôi thành công, thú y phải đi trước

Theo số liệu thống kê, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có khoảng 4,5 triệu con, trong đó có 3,6 triệu con gà, 900 con vịt. Toàn tỉnh chỉ có 43 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ và vừa, trong đó có 2 trang trại được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm diễn biến khá phức tạp, chưa kiểm soát được hoàn toàn; cộng với tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trịbệnh cho gia cầm đã tạo ra tình trạng kháng thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị bệnh, đẩy chi phí điều trị bệnh tăng cao, giảm hiệu quả chăn nuôi… Chính vì vậy, muốn chăn nuôi thành công, bà con phải chú trọng công tác vệ sinh thú y, thực hiện thường xuyên, đầy đủ và đúng lịch để mang lại hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh tốt nhất.

Bà con cần tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm theo đúng độ tuổi, qua đó hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra, ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người, giảm thiểu thiệt hại, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

BÀ LÊ THỊ DUY ĐÍNH, CÁN BỘ TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG TỈNH: Làm cầu nối để thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia cầm

Tại Phú Yên, hoạt động chăn nuôi gia cầm đang tồn tại song song 3 phương thức nuôi gồm nuôi thả rông, nuôi bán chăn thả (bán công nghiệp) và nuôi nhốt hoàn toàn (nuôi công nghiệp); đối với vịt còn có phương thức nuôi chạy đồng. Mỗi phương thức chăn nuôi đều có những lợi thế và mặt hạn chế. Để phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, phù hợp với điều kiện của người chăn nuôi và hướng đến chăn nuôi gia cầm bền vững thì cần phải áp dụng các tiến bộ khoa học, quy trình kỹ thuật… nâng cao giá trị kinh tế trong chăn nuôi.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm, tập huấn phổ cập, tập huấn hiện trường nhiều nội dung nhằm giúp nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng trị một số bệnh thường gặp trên gia cầm…

Toàn bộ nội dung tập huấn được trung tâm ghi hình, xây dựng các video clip hướng dẫn, bà con có thể xem lại để tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm qua Trang thông tin điện tử, fanpage Khuyến nông Phú Yên hoặc tài khoản Youtube Khuyến nông Phú Yên.

Với vai trò cầu nối giữa cơ quan nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với nông dân và thị trường, trung tâm tiếp tục làm tốt công tác kết nối, tư vấn; phổbiến kiến thức, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh đến cho nông dân.

NÔNG DÂN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (PHƯỜNG HÒA HIỆP NAM, TX ĐÔNG HÒA): Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường chăn nuôi

Trong chăn nuôi, bà con ta thường có câu “nhất môi, nhì mồi” để khẳng định tầm quan trọng của môi trường; cộng với công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, bà con đã ý thức tốt hơn về việc quản lý môi trường chăn nuôi.

Gia đình tôi đang nuôi khoảng 30 con heo và 500 con vịt. Toàn bộ lượng chất thải trong chăn nuôi được thu gom đưa vào hầm biogas xử lý; công tác vệ sinh tiêu độc cũng được thực hiện thường xuyên, định kỳ để đảm bảo môi trường chăn nuôi luôn thông thoáng, sạch sẽ, giảm mầm bệnh. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải bằng hầm biogas vẫn còn một số hạn chế.

Thông qua hội nghị lần này, bà con chúng tôi được tìm hiểu về công nghệ xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học. Công nghệ này giúp tiêu hết phân trong chăn nuôi nên giảm mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi, cải thiện môi trường sinh hoạt của người chăn nuôi. Khi môi trường sạch sẽ, mầm bệnh sẽ giảm, rủi ro trong chăn nuôi cũng giảm nên việc sản xuất sẽ ổn định hơn rất nhiều.

THỦY TIÊN (ghi)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/320809/de-chan-nuoi-gia-cam-phat-trien-ben-vung.html