Việt Nam tăng 15 bậc về xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, với 0,7709 điểm trong năm 2024, Việt Nam được xếp vào nhóm 'Chính phủ điện tử rất cao', đứng thứ 71/193, tăng 15 bậc so với năm 2022.

Việt Nam xếp 71/193 quốc gia về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc

Việt Nam xếp 71/193 quốc gia về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc

Ngày 17/9, Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2024. Chủ đề của báo cáo năm nay là "Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phát triển bền vững" (Accelerating Digital Transformation for Sustainable Development), nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của chuyển đổi số, Chính phủ số để các quốc gia trên thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Báo cáo của Liên hợp quốc cung cấp thông tin về sự phát triển của Chính phủ số trên phạm vi toàn cầu, khu vực và quốc gia, giúp cho mỗi quốc gia biết vị trí của mình trong bức tranh Chính phủ số trên thế giới, nắm bắt kịp thời các xu thế để có chiến lược đúng đắn phát triển Chính phủ số trong tương lai.

Báo cáo EGDI 2024 cho thấy sự phát triển Chính phủ số trên toàn thế giới, ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ công và tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Báo cáo đã giới thiệu khung mô hình Chính phủ số mới (Digital Government Model Framework) để các quốc gia tham khảo nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phát triển bền vững. Khung mô hình bao gồm 6 động lực của Chính phủ số như: Lãnh đạo số; Tập trung vào dữ liệu; Danh tính số hợp pháp; Tham gia điện tử hiệu quả; Văn hóa số và Hạ tầng số.

Ngoài ra, báo cáo cũng cung cấp thông tin về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với quản trị của khu vực công.

Trong bảng xếp hạng năm 2024, Việt Nam đứng vị trí thứ 71 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tăng 15 bậc so với năm 2022. Với kết quả này, Việt Nam lần đầu tiên được xếp vào nhóm EGDI ở mức Rất cao và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003.

Xếp hạng EGDI của Việt Nam qua từng năm.

Xếp hạng EGDI của Việt Nam qua từng năm.

EGDI được chia làm 4 mức gồm: Rất cao (chỉ số lớn hơn 0,75), Cao (chỉ số từ 0,5 đến 0,75), Trung bình (chỉ số từ 0,25 đến 0,5), Thấp (chỉ số nhỏ hơn 0,25).

Chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2024 đạt 0,7709 điểm, được xếp vào nhóm các nước có EGDI ở mức Rất cao (có 39,4% các quốc gia được xếp ở nhóm này) và cao hơn so với chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,6382), của khu vực châu Á (0,6990) cũng như của khu vực Đông Nam Á (0,6928).

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt Brunei để vươn lên vị trí thứ 5 trong 11 nước. 4 nước có vị trí cao hơn Việt Nam là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đáng chú ý là Singapore tăng 9 bậc và vươn lên xếp thứ 3 trên toàn thế giới; Philippines tăng 16 bậc; Việt Nam tăng 15 bậc; Indonesia tăng 13 bậc; Đông Timor giảm 12 bậc.

Ngoài ra, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam cùng với 3 quốc gia là Indonesia, Philippines, Brunei ở khu vực Đông Nam Á có giá trị EGDI chuyển từ nhóm Cao lên nhóm Rất cao. Trong đó, Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam về những nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến.

So với 55 quốc gia trong nhóm có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam là một trong năm quốc gia có EGDI ở mức Rất cao. 4 quốc gia khác bao gồm: Ukraine, Mongolia, Uzbekistan và Philippines.

Với kết quả xếp hạng vượt bậc này, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đặt ra năm 2024 về xếp hạng Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; đồng thời thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, nỗ lực của cơ quan Nhà nước các cấp đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để triển khai chuyển đổi số quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao thứ hạng chỉ số Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

P.L – VTV

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/viet-nam-tang-15-bac-ve-xep-hang-chinh-phu-dien-tu-cua-lien-hop-quoc-post301539.html