'Đế chế' của tỷ phú Ấn Độ muốn đầu tư thêm 10 tỷ USD tại Việt Nam
Tập đoàn Adani, một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ của tỷ phú Gautam Adani rất quan tâm, đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá cơ hội và đi đến quyết định, cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, không chỉ trong lĩnh vực cảng biển, logistics, mà còn các lĩnh vực năng lượng, công nghệ số.
Tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa tiếp ông Karan Adani, Tổng Giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế, thuộc Tập đoàn Adani.
Ông Karan Adani, Tổng Giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani bày tỏ vinh dự được Thủ tướng tiếp; ngưỡng mộ với tầm nhìn, chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam; cho biết Adani là tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ đang hoạt động trong các lĩnh vực cảng biển, vận tải, logistics, năng lượng, công nghệ số… tại hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Tổng Giám đốc Karan Adani cho biết, Adani rất quan tâm, đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá cơ hội và đi đến quyết định, cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, không chỉ trong lĩnh vực cảng biển, logistics, mà còn các lĩnh vực năng lượng, công nghệ số.
Trong đó, Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước đang phát triển rất tích cực, song quan hệ về kinh tế, đặc biệt là đầu tư, thương mại và du lịch vẫn chưa tương xứng, còn nhiều dư địa, cần có bước đột phá, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các công ty, tập đoàn lớn của Ấn Độ, trong đó có Tập đoàn Adani đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, Việt Nam có tiềm năng lớn về vận tải biển, phát triển hệ sinh thái cảng biển, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời; hoan nghênh Tập đoàn Adani chủ trương đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực này, trước mắt là đầu tư vào khu Bến cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng, cũng như các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, việc phát triển ngành điện phải tính toán tổng thể cả 5 yếu tố là nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và nhất là giá điện hợp lý, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số là xu thế của thế giới, Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó và mong muốn Adani mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Adani tiếp tục nghiên cứu các dự án đầu tư khác tại Việt Nam, đồng thời đi đầu trong việc khuyến khích thêm các nhà đầu tư Ấn Độ tới Việt Nam; hy vọng Tập đoàn Adani sẽ phối hợp hiệu quả với các đối tác Việt Nam để có những kết quả cụ thể trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam, trên tinh thần "non cao cũng có đường trèo; đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi"; "đã nói phải làm; đã cam kết phải thực hiện; đã thực hiện phải có kết quả cân, đong, đo, đếm được", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Ông Karan Adani đồng tình cao với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; cho biết Tập đoàn Adani sẽ bắt tay ngay, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, đối tác của Việt Nam để triển khai những dự án cụ thể, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả như Thủ tướng mong muốn.
Liên quan tới hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Chỉ thị nêu rõ, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, vượt khỏi dự báo. Nhiều thách thức đặt ra cho các nước như suy thoái kinh tế, mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu... Cạnh tranh giữa các nước trong thu hút đầu tư nước ngoài thời kỳ hậu COVID-19 ngày càng gay gắt; xu hướng thay đổi chính sách của các nước nhằm bảo đảm tự chủ chiến lược; việc các nước phối hợp xây dựng các quy tắc quản trị toàn cầu, trong đó có lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024; xu hướng đẩy mạnh điều chỉnh chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu; sự thay đổi chiến lược đầu tư của các Tập đoàn đa quốc gia... đang tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến hoạt động đầu tư nước ngoài trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị các điều kiện tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Trong đó, Bộ KH&ĐT báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, lĩnh vực.
Bộ KH&ĐT cần chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế, không trái với quy định và cam kết quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên, khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu cũng như các nhà đầu tư mới, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp...