Để chiến sĩ coi đơn vị là 'ngôi nhà thứ hai'
Thời gian nhập ngũ chưa lâu, nhưng chiến sĩ mới (CSM) tại Trung đoàn 880 (Bộ CHQS tỉnh Lai Châu) đã sớm hòa nhập với môi trường Quân đội. Sự quan tâm, gần gũi, chia sẻ kịp thời của cán bộ các cấp đã tạo động lực, niềm tin cho bộ đội ngay từ những ngày đầu về đơn vị.
Đến Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 880, chúng tôi được chỉ huy đơn vị dẫn đi tham quan một buổi huấn luyện của CSM tại thao trường, được chứng kiến không khí thân tình, cởi mở giữa cán bộ và CSM trong quá trình huấn luyện. Kết thúc giờ huấn luyện đầu tiên, bộ đội xếp thành hình vòng tròn, vui vẻ hòa vang tiếng hát dưới sự điều hành của Trung úy Hoàng Văn Phủ, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 1: “Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến sĩ...” Tiếng hát hào sảng của các bạn trẻ vang vọng khắp thao trường nơi vùng cao, biên giới Lai Châu.
Vui mừng trước sự thân tình của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, Thiếu tá Đinh Văn Xuân, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, chia sẻ: Trong đơn vị có hai chiến sĩ Trương Việt Hoàng và Mùa A Đông có hoàn cảnh khó khăn nhất. Đồng chí Hoàng sinh năm 2002, bố mẹ mất sớm. Trước khi nhập ngũ, Hoàng nương tựa vào bà nội đã cao tuổi. Còn Mùa A Đông, tuy sinh năm 1999 nhưng đã có vợ con, vợ chưa có việc làm ổn định. Những ngày đầu về đơn vị, Hoàng và Đông đều rụt rè, ngại giao tiếp. Nắm được hoàn cảnh đó, Tiểu đoàn đã cử cán bộ trực tiếp theo dõi, động viên, gọi điện thăm hỏi gia đình và tạo điều kiện cho hai chiến sĩ được trò chuyện với người thân vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Nhận thấy sự quan tâm thân tình của cán bộ các cấp, sự động viên, tin tưởng của người thân, gia đình, Hoàng và Đông đã yên tâm công tác, tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị.
Để nâng cao chất lượng quản lý, huấn luyện bộ đội, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 880 yêu cầu đội ngũ cán bộ đặc biệt chú trọng công tác nắm, giải quyết các vấn đề tư tưởng của CSM, coi đây là nội dung quan trọng hàng đầu. Trước thời điểm CSM về đơn vị, Trung đoàn đã chủ động phối hợp với địa phương nắm chắc hồ sơ lý lịch từng chiến sĩ. Sau khi bộ đội về, đơn vị tổ chức sinh hoạt, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kết hợp với nghiên cứu hồ sơ quân nhân; gặp gỡ riêng những chiến sĩ hoàn cảnh khó khăn, phân công cán bộ theo dõi, động viên, giúp đỡ. Cán bộ đại đội trở xuống nắm chắc điểm mạnh, điểm yếu, sở trường, sở đoản, hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của từng chiến sĩ để có biện pháp quản lý, rèn luyện cho phù hợp; thực hiện “4 cùng" với CSM (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ).
Với những trường hợp có biểu hiện bất thường, đơn vị cử cán bộ và chiến sĩ có uy tín thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu, động viên; đồng thời phối hợp với gia đình (qua điện thoại hoặc qua hoạt động thăm thân) để trao đổi, cùng giáo dục, động viên hiệu quả.
Bên cạnh đó, Trung đoàn chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể thao vào giờ nghỉ, ngày nghỉ hoặc lồng ghép trong các hoạt động khác. Chú trọng xây dựng tinh thần đoàn kết giữa chiến sĩ năm thứ hai với CSM, giữa cán bộ với chiến sĩ, tạo không khí dân chủ, vui tươi, lành mạnh trong toàn đơn vị.
Thượng tá Trần Song Tám, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 880, chia sẻ: "CSM thay đổi môi trường sống, xa gia đình, người thân thì chỗ dựa chính là đội ngũ cán bộ các cấp. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu cán bộ phải gần gũi, thân thiết như người anh, người bạn, người chị của bộ đội, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, động viên, làm cho chiến sĩ thực sự tin tưởng và luôn nghĩ đến cán bộ mỗi khi gặp khó khăn, thách thức. Đội ngũ cán bộ phải gương mẫu trong mọi hoạt động, nhất là trước những việc khó, việc mới; phải “cầm tay chỉ việc” cho chiến sĩ, không được nôn nóng “đốt cháy giai đoạn”; chú trọng công tác giáo dục, thuyết phục, động viên. Chúng tôi xác định, để CSM yên tâm công tác, thì đơn vị phải thực sự là "ngôi nhà thứ hai". Dưới mái nhà chung ấy, “cán” phải hiểu “binh”, “binh” phải gần “cán”, “cán-binh” cùng đoàn kết, phấn đấu, như vậy thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành".
Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.