Để chiến sĩ hòa nhập ngay với cuộc sống mới
Những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020, tuổi trẻ các địa phương trên cả nước nô nức lên đường nhập ngũ, niềm hân hoan hiện rõ trên gương mặt của từng chiến sĩ trước giờ về đơn vị. Mặc dù bộn bề công việc đầu năm song các đơn vị, địa phương đã tổ chức lễ giao nhận quân trang trọng, chu đáo, an toàn, tiết kiệm và nhanh gọn.
Thượng úy NGUYỄN VĂN ĐẠT, Phó đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1):
Chu đáo ở từng khâu
Trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) và thời tiết mưa, rét nên ở nhiều địa phương khu vực phía Bắc, trong đó có huyện Kim Bảng, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) tiến hành tổ chức lễ giao nhận quân năm 2020 trong hội trường theo chỉ đạo của cấp trên, hạn chế đến mức thấp nhất việc tập trung đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Là năm thứ hai đi đón chiến sĩ mới (CSM), chúng tôi đều có cảm nhận buổi lễ năm nay tuy giản tiện hơn song vẫn chu đáo ở từng khâu. Ở ngay cửa vào hội trường, cơ quan quân sự địa phương bố trí quân y trực cấp phát khẩu trang y tế cho 100% đại biểu và CSM; tiến hành các biện pháp khử khuẩn, sát trùng cá nhân theo hướng dẫn. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đơn vị cũng thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức vệ sinh doanh trại, khử khuẩn cũng như chuẩn bị tốt nhất cơ sở vật chất để ngay sau khi chiến sĩ mới về là ổn định, hòa nhập được ngay với cuộc sống mới. Số CSM nhập ngũ về Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165 đã bố trí 3 xe ca đến địa phương nhận quân và cơ động về đơn vị an toàn.
-----------------------------
Thiếu tá NGUYỄN TIẾN TRỌNG, Phó chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 205 (Binh chủng Thông tin liên lạc):
Làm tốt công tác chuẩn bị
Trước khi đón CSM ở Hà Nam, Lữ đoàn 205 phối hợp với Lữ đoàn 139 (nơi đảm nhiệm huấn luyện CSM) làm tốt mọi mặt công tác chuẩn bị. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đơn vị xây dựng kế hoạch và tiến hành nhiều biện pháp phòng ngừa, bảo đảm vệ sinh doanh trại, nơi ăn ở cùng các điều kiện sinh hoạt, như: Hệ thống nước nóng, dụng cụ nhà ăn, nhà bếp, quần áo, chăn bông, đệm… của bộ đội đầy đủ.
Trong ngày nhận quân vừa qua, đơn vị cử 6 cán bộ được trang bị đầy đủ vật chất phòng dịch bệnh, gồm: Khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, nhiệt kế thủy ngân, Cloramin B, nước tỏi, nước muối, túi thuốc y tế… về địa phương đón CSM. Trước và sau buổi lễ, đơn vị phối hợp với quân y của Bộ CHQS tỉnh Hà Nam đo thân nhiệt 100% CSM. Chiến sĩ đều khai báo y tế nhằm xác định và thực hiện nghiêm túc các quy định về việc phòng ngừa lây nhiễm cho cá nhân trong quá trình giao nhận quân.
Bệnh xá của đơn vị cũng dành riêng khu vực cách ly với đầy đủ trang thiết bị, phương tiện theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19… Do số lượng chiến sĩ cả cũ và mới đông nên đơn vị đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, bảo đảm nếp sống vệ sinh, khoa học. Qua đó cho thấy trách nhiệm của đơn vị đối với địa phương và gia đình CSM.
------------------------
Chiến sĩ ĐỖ QUỐC TRƯỞNG, Lữ đoàn 144 (Bộ Tổng Tham mưu):
Tự hào lên đường bảo vệ Tổ quốc
Trước khi nhập ngũ, tôi đã tốt nghiệp Trường Trung học Kỹ thuật và Nghiệp vụ Hà Nội. Trong đợt tuyển quân năm nay, tôi nhập ngũ vào Lữ đoàn 144. Mặc dù công việc đầu năm bận rộn, song chúng tôi nhận được sự quan tâm, động viên, thăm hỏi, tặng quà của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ thôn, xã, huyện đến tỉnh nên rất yên tâm, phấn khởi lên đường nhập ngũ. Bản thân tôi cũng ý thức được việc bước vào cuộc sống kỷ luật của quân đội sẽ có nhiều thay đổi so với ở nhà nên cảm giác bâng khuâng. Dẫu vậy, trong suy nghĩ và cảm nhận của tôi, đây là cơ hội rèn luyện tốt, được sống trong tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Chính điều đó là động lực cho bản thân nỗ lực phấn đấu và mong muốn được phục vụ trong quân đội lâu dài.
---------------------------
Chiến sĩ ĐINH VĂN QUÝ, Sư đoàn 350 (Quân khu 3):
Mục tiêu được đứng trong hàng ngũ của Đảng
Đang là sinh viên năm thứ 4, chuyên ngành Điện tử thông tin K18, Đại học Mở Hà Nội, chỉ còn khoảng 10 tín chỉ nữa là tôi tốt nghiệp, nhưng theo lệnh gọi, tôi xin nhà trường cho bảo lưu kết quả học tập để lên đường nhập ngũ. Rất may mắn, quyết định này nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cả nhà trường và gia đình. Để không bị ảnh hưởng nhiều do thời gian gián đoạn việc học tập, tôi mang theo sổ ghi chép, tranh thủ thời gian rảnh rỗi xem lại kiến thức đã học và ôn luyện. Ngoài ra, khi còn ở nhà, việc sinh hoạt, học tập cũng khá nền nếp và theo khung thời gian biểu hợp lý nên tôi rất thích môi trường có tính kỷ luật cao của quân đội.
Cuộc sống mới có nhiều điều bỡ ngỡ phía trước và tôi rất háo hức chờ đợi. Trước kia ở nhà, bạn bè “mày”, “tao”, giờ đây xưng hô “đồng chí”, “thủ trưởng”... tưởng như cứng nhắc, ấy vậy mà gần gũi, đoàn kết đến lạ. Cũng chính từ điều này, tôi nhận ra mình phải nỗ lực nhiều hơn để không phụ lòng của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Đồng thời, quyết tâm phấn đấu, đặt mục tiêu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
------------------------------
Bà VŨ THỊ MINH, mẹ chiến sĩ PHẠM HỒNG THANH (Bộ CHQS tỉnh Hà Nam):
Cơ hội rèn luyện bản lĩnh
Gia đình tôi rất tự hào khi cháu đã trở thành chiến sĩ. Tuy hoàn cảnh bố mất sớm, là lao động chính trong nhà, nhưng khi biết tin con thuộc diện nhập ngũ năm nay, tôi động viên cháu yên tâm, sẵn sàng trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Ở đơn vị, xa gia đình, người thân, bữa cơm hằng ngày thay vì ngồi chung mâm với mẹ, với em là đồng đội; thời gian sinh hoạt cũng khác, nền nếp hơn, tự lập hơn; công việc mỗi sáng, mỗi chiều không phải là đồng ruộng hay việc nhà mà là những bài học đầu tiên trong quân ngũ. Sự thay đổi này là cơ hội cho cháu rèn luyện cách sống, cách ứng xử và bản lĩnh, sự tự tin, cứng cáp, trưởng thành hơn.
Bên cạnh đó, gia đình cũng mong muốn khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, cháu sẽ được quân đội quan tâm cho học nghề mà cháu yêu thích nhằm tạo dựng cuộc sống và trở thành trụ cột trong gia đình.