Để chiến sĩ mới sớm thích nghi với môi trường Quân đội

Bằng tinh thần trách nhiệm, sự gần gũi, yêu thương đồng chí, đồng đội, sau gần hai tuần huấn luyện ngoại khóa, đến nay cơ bản chiến sĩ mới thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không - Không quân đã dần quen với nền nếp, chế độ sinh hoạt trong môi trường Quân đội, tích cực tham gia vào hoạt động của đơn vị.

Thượng tá Phùng Đức Tiến, Chính ủy Trung đoàn 274 cho biết: “Có được kết quả nêu trên là do đơn vị đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị trước khi tiếp nhận chiến sĩ mới (CSM). Cụ thể, Trung đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tu sửa doanh trại, củng cố cảnh quan môi trường, cấp phát đầy đủ vật chất hậu cần và quân tư trang cá nhân theo quy định để CSM về đơn vị ổn định học tập, công tác được ngay. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ các cấp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, thường xuyên gần gũi, quan tâm, động viên, giúp đỡ CSM từng bước làm quen với môi trường mới”.

Cán bộ Đại đội 7, Tiểu đoàn 2 gặp gỡ, động viên chiến sĩ mới.

Cán bộ Đại đội 7, Tiểu đoàn 2 gặp gỡ, động viên chiến sĩ mới.

Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 274 củng cố cảnh quan môi trường.

Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 274 củng cố cảnh quan môi trường.

 Trung đội trưởng kiểm tra lễ tiết, tác phong của chiến sĩ mới.

Trung đội trưởng kiểm tra lễ tiết, tác phong của chiến sĩ mới.

Tham quan nơi ăn, ở của CSM thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 274, chúng tôi thấy chăn, màn được gấp vuông vắn, hàng chăn, hàng gối thẳng tắp, giá giầy, dép… được sắp đặt gọn gàng, thống nhất. Được biết, yêu cầu đầu tiên khi CSM về đơn vị là phải tự sắp đặt được nội vụ vệ sinh cá nhân. Vì vậy, thời gian qua, chỉ huy đơn vị đã tập trung hướng dẫn bộ đội cách gấp chăn, sắp xếp quân tư trang và đồ dùng trong ba-lô, thống nhất cách treo quần áo, phơi khăn mặt, đặt mũ... Đến nay, CSM của đơn vị đều nắm và tự giác thực hiện đúng các quy định, nhiều đồng chí còn gấp vuốt được chăn rất đẹp.

CSM Ngô Minh Thành, Trung đội 2, Đại đội 7, chia sẻ: “Trước khi nhập ngũ, tôi cũng cảm thấy lo lắng và hồi hộp. Nhưng ngay từ ngày đầu về đơn vị, nhìn thấy doanh trại khang trang, khuôn viên xanh, sạch, đẹp, khiến tôi rất ấn tượng. Đặc biệt là thời gian qua, chỉ huy các cấp trong đơn vị thường xuyên quan tâm, động viên, chỉ bảo tận tình. Vì thế, chúng tôi đã nhanh chóng quen với cuộc sống mới”.

Cùng đại đội với Thành, CSM Nguyễn Nhật Nam, thuộc Trung đội 3 tâm sự: “Về đơn vị, tôi quen được thêm nhiều đồng đội cùng trang lứa. Giờ nghỉ, ngày nghỉ, chúng tôi được cùng nhau học hát, đánh cờ tướng, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ rất vui vẻ. Nhờ đó mà tôi cũng như các đồng chí khác nhanh chóng quên đi nỗi nhớ nhà, cảm thấy yêu mến đơn vị và xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình”.

Để nắm, quản lý và giải quyết tư tưởng của bộ đội, lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 274 đã triển khai cho đội ngũ cán bộ các cấp rà soát, nắm sơ yếu lý lịch từng quân nhân trong đơn vị; kết hợp với tổ chức tốt sinh hoạt chính trị tư tưởng; gần gũi, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng, mối quan hệ xã hội và hoạt động của CSM; kịp thời phân loại tư tưởng, động viên những chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, phân công cán bộ kèm cặp, giúp đỡ. Ngoài ra, các đơn vị tổ chức tốt hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vào giờ nghỉ, ngày nghỉ để tạo bầu không khí sôi nổi, lành mạnh trong đơn vị.

Theo Thượng tá Phùng Đức Tiến, Chính ủy Trung đoàn 274, biện pháp quan trọng, quyết định nhất để giúp CSM nhanh chóng hòa nhập đó là phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ tiểu đội, trung đội. Cán bộ phải thật sự thân thiết như người anh, người bạn để CSM tin tưởng tìm đến tâm sự mỗi khi gặp khó khăn; đồng thời giải quyết thỏa đáng, đúng quy định những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của chiến sĩ. Trong công việc, cán bộ phải “cầm tay chỉ việc”, lấy “hành động là mệnh lệnh không lời”, dù công việc đơn giản nhất cán bộ cũng phải làm trước để chiến sĩ học tập làm theo.

Bài, ảnh: DUY HẬU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/de-chien-si-moi-som-thich-nghi-voi-moi-truong-quan-doi-816786