Để chính sách phát huy hiệu quả

Bộ Tài chính vừa đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và tiếp tục kích cầu nền kinh tế.

Theo đó, thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng ở mức 10% sẽ giảm còn 8% (trừ một số nhóm như dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản…).

Việc giảm thuế có thể làm hụt thu ngân sách khoảng 25.000
tỷ đồng. Tuy nhiên, đổi lại, sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy, sớm phục hồi trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và giai đoạn 2020-2025. Bằng chứng là thị trường trong nước tuy phục hồi nhưng còn chậm và số doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn tăng khá cao.

Tính từ năm 2022 đến 2024, số tiền thuế giá trị gia tăng được giảm tương đương gần 124.000 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, tạo thêm việc làm cho người lao động. Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp tài khóa thiết thực, có hiệu quả rõ rệt, doanh nghiệp và người tiêu dùng được hưởng trực tiếp. Đồng thời, sản xuất, kinh doanh phục hồi, phát triển sẽ tác động trở lại làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách cũng nảy sinh một số bất cập, vướng mắc. Điển hình là việc xác định hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế giá trị gia tăng và áp dụng giảm thuế chưa thống nhất. Do tính chất hàng hóa đa dạng, đa chức năng hay đồng nhất về tên gọi nhưng khác về thành phần, cấu tạo, cơ chế hoạt động nên dẫn đến cách hiểu khác nhau, hay không đủ cơ sở áp dụng chính sách.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có doanh nghiệp băn khoăn, hỏi cơ quan quản lý nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung. Hệ quả là doanh nghiệp chịu rủi ro, thậm chí là thiệt hại về chi phí sản xuất. Không ít trường hợp doanh nghiệp đã đàm phán mua hàng, thỏa thuận về số lượng, phương thức giao hàng, giá cả song không thống nhất được mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 8% hay 10%, hoặc thực hiện xong hợp đồng nhưng không thể quyết toán được vì quan điểm khác nhau về áp dụng mức thuế suất.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, với sự thiết thực của nó, đang được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi. Và với hiệu quả nhiều mặt, nhiều chiều, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ được các bộ, ngành và Quốc hội đồng tình. Do đó, vấn đề đặt ra là cùng với việc đề xuất chính sách, cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tìm giải pháp gỡ vướng, khắc phục bất cập từ những lần áp dụng trước.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI kiến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Trong trường hợp kiến nghị này chưa được xem xét, cơ quan soạn thảo cần đề xuất, hướng dẫn ngay việc xác định loại hàng hóa, dịch vụ đang còn cách hiểu khác nhau được áp thuế suất thuế giá trị gia tăng 8%, để hạn chế phát sinh rủi ro cho doanh nghiệp.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cũng cần chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường, đối tác. Đó là cách vừa sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, đồng thời chủ động vượt qua khó khăn.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-chinh-sach-phat-huy-hieu-qua-685684.html