Dè chừng nguy cơ bị thâu tóm

M&A có mặt trái là nguy cơ bị thâu tóm trong bối cảnh hiện nay khi nhiều doanh nghiệp 'đuối sức' do Covid-19, nên cần có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ.

Nếu xét về số liệu thống kê, việc các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 2,99 tỷ USD để thực hiện hoạt động góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 thì chưa phải là điều đáng lo ngại. Bởi con số này, chỉ bằng 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, với số lượt góp vốn, mua cổ phần lại lên tới 3.528 lượt, tăng 11,6% so với cùng kỳ, mới là điều khiến nhiều người quan tâm. Con số này cho thấy, bất chấp kinh tế đang khó khăn bởi Covid-19, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng nhanh.

Trên thực tế, mối lo doanh nghiệp bị thâu tóm sau đại dịch không phải là nỗi lo của riêng Việt Nam. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), nhớ lại: Vào tháng 4-2020, khi bộ này chuẩn bị các báo cáo trình Chính phủ về những tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế - xã hội Việt Nam, chính ông đã đề xuất bổ sung những cảnh báo về “nguy cơ bị thâu tóm” và đề nghị các địa phương cảnh giác, thận trọng trong vấn đề này. “Thời điểm đó, Pháp, Đức, Tây Ban Nha… đều đã đưa ra các cảnh báo rằng, kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu hồi phục, nên họ có thể lợi dụng lúc này để tìm mua lại doanh nghiệp không chống đỡ nổi với đại dịch. Doanh nghiệp Việt cũng vậy, phải tìm cách tránh bị ép giá khi thực hiện M&A ở thời điểm đáy”, ông Đỗ Nhất Hoàng khuyến cáo.

Hiện nay, hàng loạt nền kinh tế từ Mỹ, Ấn Độ, Australia và các nước châu Âu đều đã lần lượt đưa ra các cảnh báo về việc ngăn các ngành công nghiệp trọng yếu rơi vào tay đối thủ. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài có thể lợi dụng lúc giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn mất giá trị để thực hiện việc thâu tóm. Nhiều biện pháp đã được thực hiện như Ủy ban châu Âu đưa ra quy định mới về M&A nhằm giúp các quốc gia thành viên bảo vệ tài sản, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu y tế và y khoa, công nghệ sinh học cũng như hạ tầng. Australia yêu cầu tất cả các thương vụ thâu tóm từ nước ngoài phải được xét duyệt, với quy trình có thể kéo dài đến 6 tháng. Nhật Bản đã lên danh sách 500 công ty trong nước phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt đối với sở hữu nước ngoài, nhằm bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng…

Ở trong nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng kiến nghị Chính phủ tạm thời dừng việc M&A trong giai đoạn khó khăn hiện nay. “Chính phủ cần xem xét tổng quan lại hoạt động M&A, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và doanh nghiệp nội đang có dấu hiệu đuối sức. Việc M&A cần thiết phải hạn chế ở một số lĩnh vực cốt lõi. Ở những ngành nghề cho phép mời gọi đầu tư nước ngoài cũng phải giới hạn tỷ lệ đầu tư nhất định”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nêu vấn đề. Ngoài ra, “Các cơ quan chức năng cần dồn sức cho những doanh nghiệp nội có khả năng dẫn dắt thị trường phát triển, thậm chí mua lại những doanh nghiệp có công nghệ cao. Đây sẽ là “bệ đỡ” và dẫn dắt chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước phát triển”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhấn mạnh.

Tuy nhiên cũng có ý kiến phản biện của một số chuyên gia kinh tế. Trong đó, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, cho rằng: “Đây là xu thế phát triển mới, cần cởi mở để đón nhận. Chúng ta đang chờ làn sóng nhà đầu tư dịch chuyển sang đầu tư, thì không thể tạm ngưng M&A. Những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 nếu được nhà đầu tư nước ngoài “bơm” vốn cũng là điều tốt”.

Kỳ vọng, với Luật Đầu tư (sửa đổi năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021) đã tính đến các biện pháp phòng ngừa, đưa ra điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận một số ngành nghề, lĩnh vực trong nước… nền kinh tế Việt Nam sẽ “trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới”.

MINH XUÂN - DŨNG LÊ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-chung-nguy-co-bi-thau-tom-698248.html