Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị có tân Chủ tịch HĐTV
Bộ Xây dựng vừa có quyết định điều động và bổ nhiệm ông Đậu Minh Thanh, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng đến nhận công tác và giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD).
Mới đây, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì hội nghị công bố Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).
Theo quyết định, ông Đậu Minh Thanh, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng, được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV HUD kể từ ngày 15/11. Trước khi làm Chủ tịch HĐTV HUD, ông Thanh từng có thời kỳ giữ chức Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng.
Trước đó, vào tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch HĐTV HUD làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
HUD là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là đầu tư phát triển các khu đô thị mới và nhà ở, kinh doanh bất động sản. Theo báo cáo soát xét bán niên 2024, HUD vẫn đang thực hiện các công việc chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa, với một trong các điều kiện tiên quyết là tập trung vào công tác sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất theo các Nghị định của Chính phủ ban hành các năm 2017 và 2021.
Cũng liên quan đến thoái vốn, giữa tháng 10 mới đây, lãnh đạo HUD đã đồng ý chọn Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Mã: CTS) làm đơn vị tư vấn lập phương án chuyển nhượng vốn một số công ty thành viên gồm: Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD8 (Mã: HD8), Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD Sài Gòn (HUD9), Đầu tư Xây dựng Đô thị Việt Nam (VINAUIC), CTCP Sài Gòn – Rạch Giá. Các công ty do HUD nắm lần lượt 51%, 54,8%, 52,8% và 20,89%.
Về tình hình kinh doanh, BCTC hợp nhất bán niên 2024 của HUD tiếp tục nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ phía đơn vị kiểm toán độc lập CPA Việt Nam, chủ yếu do một số công ty con chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với một số khoản mục trên báo cáo tài chính.
Dù vậy, kết quả nửa đầu năm nay của HUD vẫn rất khả quan với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 1.800 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu từ bất động sản gần 1.500 tỷ đồng, gấp 2,7 lần.
Bất chấp chi phí đội lên, lãi ròng HUD vẫn tăng 166%, ghi nhận 130 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí nhân viên quản lý lên hơn 181 tỷ đồng, gấp đôi nửa đầu năm ngoái.
Năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác của HUD sẽ đạt khoảng 1.850 tỷ đồng cùng lãi trước thuế 260 tỷ đồng; trong đó dành ra 350 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước. Các dự án trọng điểm có kế hoạch chi đầu tư lớn trong năm nay gồm khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ giai đoạn 1 ở tỉnh Bình Dương (228 tỷ đồng); khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 ở Hà Nội (200 tỷ đồng); khu đô thị mới HUD - Sơn Tây ở Hà Nội (128 tỷ đồng).
Cuối quý II/2024, HUD đang hạch toán hơn 15.100 tỷ đồng tài sản với 80% nằm ở tài sản ngắn hạn. Hàng tồn kho cuối kỳ đạt 9.500 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Danh mục tài sản dở dang dài hạn chiếm phần lớn bởi dự án tòa nhà văn phòng HUDTOWER – 37 Lê Văn Lương, số tiền 595 tỷ đồng. HUD vẫn đang “cầm” 190 tỷ đồng tiền ứng trước từ CTCP Tasco (HNX: HUT).
Nợ phải trả 11.400 tỷ đồng, ghi nhận tăng đột biến khoản thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, thêm hơn 1.500 tỷ đồng, mà chủ yếu là thuế nhà đất và tiền thuê đất. Tạm xác định lợi nhuận nộp ngân sách Nhà nước năm 2023 trong kỳ thêm hơn 52 tỷ đồng.
Báo cáo tình hình sử dụng vốn 6 tháng đầu năm cho thấy, HUD đã giải ngân 500 tỷ đồng vào các dự án, đầu tư chương trình; một nửa số tiền còn lại theo kế hoạch dùng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh thì đã chi ra 400 tỷ đồng.