Dè chừng với rủi ro tỷ giá từ đồng Yên

Đồng Yên Nhật đang tăng giá mạnh mẽ trở lại từ đầu quý 3 đến nay. Xu hướng này đặt ra những thách thức cho nhiều doanh nghiệp (DN) đang có hoạt động kinh doanh liên quan đến đồng Yên.

Đồng Yên Nhật tăng giá trở lại so với nhiều đồng tiền khác đang mang đến rủi ro và thiệt hại về tỷ giá đối với nhiều DN Việt Nam đang có hoạt động sử dụng đồng Yên để thanh toán hay trả nợ. Cụ thể, với các DN nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản, hoạt động kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi hàng từ Nhật Bản đang trở nên mắc hơn do đó có thể giảm sức tiêu thụ từ khách hàng trong nước.

Với những DN nhập khẩu nguyên vật liệu và phải thanh toán bằng đồng Yên, chi phí đầu vào cũng sẽ tăng lên ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận, nếu như vẫn giữ nguyên giá bán đầu ra. Đặc biệt với những DN đã ký hợp đồng trước và không có các giải pháp bảo hiểm rủi ro tỷ giá, thiệt hại về tài chính là điều có thể xảy ra.

Ngược lại, những DN xuất khẩu có thể được lợi từ xu hướng này. Đầu tiên, những doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Nhật Bản hoặc doanh thu từ đồng Yên Nhật có thể đạt được lợi nhuận tốt hơn nhờ hưởng lợi từ việc đồng Yên tăng giá. Không chỉ vậy, với các DN đang xuất khẩu sang các nền kinh tế khác mà có đối thủ cạnh tranh chính là hàng hóa từ Nhật Bản cũng sẽ hưởng lợi, khi hàng từ Nhật cũng trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng tại các quốc gia này.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, Nhật Bản hiện nằm trong Top 5 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ghi nhận trong 7 tháng đầu năm nay lên đến 25,9 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật đạt 12,4 tỷ USD, tăng 2,5%, còn kim ngạch nhập khẩu là 13,5 tỷ USD, tăng 3,8%. Nhật Bản cũng là đối tác ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam

Doanh nghiệp cần có giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá từ đồng Yên

Doanh nghiệp cần có giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá từ đồng Yên

Nhật Bản cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với giá trị xuất siêu sang Nhật đạt 1,1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay. Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các loại hàng phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, gỗ và sản phẩm gỗ… và nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện... Do đó, các DN thuộc lĩnh vực này sẽ bị tác động lớn nhất.

Không chỉ hoạt động thương mại có thể bị ảnh hưởng, các DN đang vay nợ bằng đồng Yên cũng đối mặt với những rủi ro khó lường. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) với khoản vay vốn hỗ trợ chính thức (ODA) bằng đồng Yên quy đổi lên đến 11.000 tỷ đồng, trong trường hợp tỷ giá JPY/VND (tiền Yên Nhật và Việt Nam đồng) hiện tại được giữ nguyên cho đến cuối năm nay, ACV sẽ phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá đến 500 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2024, xóa sạch khoản lãi tỷ giá từ đầu năm.

Trước đó, ACV từng ghi nhận khoản lãi tỷ giá là 434 tỷ đồng từ khoản vay vốn ODA này khi đồng Yên mất giá mạnh vào Q2/2024, theo đó ghi nhận khoản lãi tỷ giá tổng cộng là 517 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 so với khoản lỗ 300 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, chủ yếu là do biến động tỷ giá của đồng Yên. Với 11 nghìn tỷ đồng dư nợ bằng đồng Yên, đồng JPY cứ tăng giá 1% so với VND sẽ dẫn đến khoản lỗ tỷ giá lên đến 110 tỷ đồng cho ACV.

Ngoài ACV, hiện nay không ít DN cũng đang có nợ vay bằng đồng Yên do lãi suất thấp của đồng tiền nay, nhưng rõ ràng khi tỷ giá biến động mạnh theo hướng đồng Yên tăng giá trở lại, những lợi ích từ mức lãi suất vay thấp của đồng Yên có thể đang bị xóa nhòa bởi rủi ro tỷ giá. Giả sử với lãi suất vay đồng Yên chỉ từ 3-4%, thấp hơn lãi suất vay tiền đồng hiện nay 5-6%, nhưng rõ ràng khi đồng Yên tăng giá lên đến 10% so với tiền đồng, doanh nghiệp vay Yên sẽ chịu thiệt hại.

Đáng lưu ý, Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có nguồn vốn ODA lớn nhất dành cho Việt Nam, vì vậy đây cũng là một trong những chủ nợ lớn của Việt Nam và là chủ nợ song phương lớn nhất. Việc đồng Yên tăng giá trở lại so với tiền đồng tất yếu khiến gánh nặng nợ công tăng lên.

Cuối cùng, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn Nhật Bản cũng có thể bị ảnh hưởng. Ngoài việc lãi suất đồng Yên tăng lên sẽ làm tăng chi phí tài chính với các DN nước ngoài đang vay bằng đồng Yên, khiến các DN này hạn chế vay vốn và mở rộng đầu tư ra nước ngoài, trước xu hướng đồng Yên tăng giá trở lại cũng ảnh hưởng đến các DN có vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam.

Khánh Phương

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/de-chung-voi-rui-ro-ty-gia-tu-dong-yen-312996.html