Để chương trình giảm nghèo không còn là những con số
Giảm nghèo không phải là khẩu hiệu hành chính, mà là cam kết trách nhiệm của chính quyền và là khát vọng vươn lên của chính người dân. Từ các mô hình sinh kế nhỏ đến sự đổi thay của vùng khó, tỉnh Thanh Hóa đã chứng minh, khi lòng dân được khơi dậy, chính sách không còn khô cứng mà trở thành sức mạnh lan tỏa.

Mô hình trồng cây dược liệu hoàn ngọc tại thôn Sặng, xã Thiết Ống (Bá Thước).
Mô hình sinh kế - đòn bẩy vươn lên thoát nghèo
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều làng quê trên địa bàn tỉnh đang dần “thay da đổi thịt”, khi màu xanh của cây trái phủ lên những triền đồi cằn cỗi, và ánh mắt người nông dân ánh lên niềm tin mới. Ẩn sau những đổi thay ấy là những mô hình sinh kế bền vững, nơi người dân không chỉ được hỗ trợ vật chất mà còn được trao cả kiến thức, kỹ năng và cơ hội. Không còn dừng lại ở việc “trao cần câu”, nhiều mô hình đã được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa và nhu cầu sản xuất của từng địa phương. Thay vì những hỗ trợ ngắn hạn, chương trình giảm nghèo của tỉnh tập trung vào việc tiếp sức lâu dài, giúp người nghèo chủ động vươn lên.
Tại thôn Sặng, xã Thiết Ống (Bá Thước), 21 hộ dân tham gia mô hình trồng cây dược liệu hoàn ngọc trên diện tích hơn 1ha. Mô hình này không chỉ tận dụng được đất đồi dốc mà còn phù hợp với khí hậu địa phương, giúp người dân giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế. Nhờ đặc tính dễ chăm sóc, nhanh thu hoạch, cây hoàn ngọc đang trở thành hướng đi mới trong phát triển sinh kế. Không giấu được niềm vui, ông Trương Văn Bợt chia sẻ: “Chúng tôi phấn khởi khi được các cấp chính quyền hỗ trợ trồng cây hoàn ngọc từ Dự án hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo. Từ khi tham gia mô hình, gia đình tôi không còn phải vay để chi tiêu như trước, cuộc sống từng bước được cải thiện. Tôi rất mong cấp trên tiếp tục quan tâm để mô hình phát triển rộng hơn, mang lại thu nhập ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương”.
Không chỉ dừng ở trồng trọt, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Ví như, gia đình ông Trịnh Đăng Hoạch, thôn Hợp Thành, xã Bình Lương (Như Xuân) nhận được 5 triệu đồng hỗ trợ để nuôi ốc nhồi thương phẩm. Sau vài năm, ông đã mở rộng quy mô, mỗi năm thu về hơn 150 triệu đồng, trở thành một trong những hộ khá giả của xã. Ông Hoạch kể: “Ban đầu nuôi thử với 2 bể nhỏ, nhưng thấy hiệu quả cao, tôi đầu tư thêm 10 bể nữa. Hiện nay tôi còn cung cấp giống cho nhiều hộ trong xã và một số vùng lân cận. Nghề nuôi ốc đã giúp tôi có thu nhập ổn định, không còn phải lo cơm áo như trước”.
Tại xã Quảng Phú (Thọ Xuân), bà Phạm Thị Thơm, một phụ nữ đơn thân từng sống trong cảnh thiếu thốn, loay hoay tìm kế sinh nhai. Khi được hỗ trợ hơn 14 triệu đồng để mua trâu sinh sản, bà đã mạnh dạn đầu tư. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, đàn trâu của bà phát triển tốt, hiện đã sinh sản được 2 lứa. “Ban đầu cũng lo, vì chưa từng nuôi trâu bao giờ, nhưng có cán bộ hướng dẫn, tôi làm dần rồi quen. Nay trâu đẻ, tôi bán nghé được hơn 20 triệu đồng, dư ra để sửa lại mái nhà”, bà Thơm kể. Với nguồn thu ổn định, bà Thơm đã thoát nghèo.
Ngoài các hộ gia đình nêu trên, hiện trên địa bàn tỉnh còn có hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo đã được tiếp cận với các dự án hỗ trợ sản xuất, từ đó tự tạo việc làm, tăng thu nhập và từng bước thoát nghèo bền vững. Các mô hình nhỏ đang tạo nên những thay đổi lớn, từ tư duy sản xuất đến diện mạo làng quê.
Đồng bộ giải pháp - Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trong hành trình giảm nghèo bền vững, nếu những mô hình sinh kế đóng vai trò là hạt nhân tại cơ sở, thì sự đồng bộ, bài bản và quyết liệt trong chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở chính là nền móng tạo nên thành công tổng thể. Với tỉnh Thanh Hóa, giảm nghèo chưa bao giờ là một nhiệm vụ xã hội đơn lẻ, mà là một chiến lược phát triển toàn diện, nhân văn và mang tầm nhìn dài hạn.

Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã xác định rõ: công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Không chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị, Thanh Hóa là địa phương duy nhất trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Cùng với đó, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh giữ vai trò Phó ban, tạo nên một bộ máy lãnh đạo trực tiếp và xuyên suốt, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Theo đó, hàng loạt nghị quyết, đề án, kế hoạch hành động và cơ chế đặc thù đã được ban hành, không chỉ định hướng chiến lược mà còn tạo hành lang pháp lý thống nhất, giúp các cấp, ngành triển khai chương trình một cách đồng bộ và linh hoạt theo thực tiễn từng địa phương.
Một trong những giải pháp tạo dấu ấn đậm nét là việc “kết nghĩa” giữa các huyện đồng bằng và huyện miền núi. Theo đó, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển được giao nhiệm vụ hỗ trợ và “đỡ đầu” những địa phương còn khó khăn. Không dừng lại ở việc chia sẻ nguồn lực, đây còn là cơ chế thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong toàn hệ thống chính trị, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, tạo sự lan tỏa và đồng thuận sâu rộng.
Đồng hành cùng cơ chế chỉ đạo là nguồn lực tài chính được phân bổ có trọng tâm, trọng điểm. Giai đoạn 2022-2024, Thanh Hóa được Trung ương cấp hơn 1.339 tỷ đồng để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Tỷ lệ giải ngân đạt trên 99%, khẳng định hiệu quả trong điều hành và thực hiện. Nhiều dự án không chỉ đảm bảo tiến độ mà còn phát huy giá trị thực tiễn rõ nét: hơn 100 công trình hạ tầng thiết yếu được hoàn thành; hơn 8.500 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhà ở với tổng kinh phí gần 160 tỷ đồng; hơn 30.000 lao động được đào tạo nghề, trong đó gần 300 người được đưa đi xuất khẩu lao động...
Kết quả nêu trên không chỉ phản ánh quyết tâm của chính quyền, mà còn là kết quả từ sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân, chủ thể trung tâm trong mọi chương trình giảm nghèo. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 3,52% (năm 2023) xuống còn 2,02%, tương đương với hơn 14.600 hộ thoát nghèo. Tốc độ giảm bình quân 1,59%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra.
Có thể nói, giảm nghèo không phải là hành trình ngắn ngày, càng không phải là phép cộng cơ học của những con số hộ thoát nghèo. Đó là một quá trình dài hơi, cần sự bền bỉ trong chỉ đạo, sự sát sao trong thực hiện và sự đồng hành của cả cộng đồng. Thành quả hôm nay là minh chứng rõ nét cho tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo và lòng quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển.