Để cơ chế đặc thù tạo xung lực giúp TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững - Bài 3: Tập trung giải quyết những thách thức nội tại

Trong chuyến thăm, làm việc tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời giúp thành phố tháo gỡ vướng mắc trong bộ máy.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành phải sát cánh cùng thành phố xây dựng cơ chế, chính sách, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc. Cần động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm; xử lý dứt điểm những tồn đọng liên quan đến công tác cán bộ; sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp; coi trọng công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách...

Nhìn nhận rõ những vướng mắc nội tại

Từ cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh, những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đã được phân tích, mổ xẻ một cách tường minh, thẳng thắn. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng vào hạn chế, khuyết điểm, lãnh đạo thành phố đã nhận rõ các vấn đề nội tại của thành phố đang cản trở đà phát triển. Theo đó, sự ì ạch trong nhiều phân khúc của bộ máy hành chính công, tâm lý cầu an, sợ sai, không dám làm, không dám quyết... của một bộ phận cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chính là nguyên nhân gây ra những tắc nghẽn cục bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác của cả bộ máy trong vận hành cơ chế đặc thù.

Bàn đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thế Du nhận định: Nhìn những gì đang diễn ra, nhất là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp trong quý I-2023 cho thấy, mấu chốt của vấn đề là tâm lý sợ sai không muốn làm, thậm chí là không dám làm của một bộ phận cán bộ công chức thành phố. Thông tin Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo thành phố vừa qua cho thấy rất rõ vấn đề: "Năm 2022, thành phố có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố. Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho thành phố hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác, trong khi trách nhiệm đã được phân công, phân cấp...".

“Tôi nghiên cứu về TP Hồ Chí Minh đã lâu và thấy rằng, những rào cản của cơ chế, chính sách chung là một vấn đề. Trục trặc nội tại của thành phố mới thực sự là vấn đề lớn. Nhiều dự án, công trình trọng điểm đã có sẵn vốn và chủ trương chung, nhưng triển khai mãi không xong. Để giải quyết những vướng mắc nội tại, chúng tôi kiến nghị: Giải pháp trước mắt là làm những gì có thể để giải ngân các dự án đầu tư công, tháo gỡ những khó khăn hay vướng mắc tức thời ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Cách tiếp cận là tìm giải pháp cho từng dự án và việc làm cụ thể...”, TS Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.

 Giải quyết những vướng mắc nội tại trong bộ máy quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức, người lao động yên tâm làm việc, cống hiến. (Trong ảnh: Công nhân Tổng công ty Cổ phần may Nhà Bè sản xuất hàng xuất khẩu). Ảnh: PHAN LỢI

Giải quyết những vướng mắc nội tại trong bộ máy quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức, người lao động yên tâm làm việc, cống hiến. (Trong ảnh: Công nhân Tổng công ty Cổ phần may Nhà Bè sản xuất hàng xuất khẩu). Ảnh: PHAN LỢI

Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tham vấn của giới chuyên gia, UBND TP Hồ Chí Minh đã có ngay hành động. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành văn bản khẩn, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị... triển khai ngay việc kiểm tra, giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Văn bản khẩn của Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, xuyên suốt của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và địa phương. Kết quả công tác giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án là căn cứ, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức trong từng quý và cả năm 2023. Các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án, công trình và giải ngân vốn đầu tư công... sẽ bị xử lý nghiêm minh. Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã phân công lãnh đạo chủ chốt làm tổ trưởng các tổ giám sát, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm.

Trên đã “nóng”, dưới không thể “lạnh”

Theo giới chuyên gia, những chỉ đạo, hành động nêu trên rất kịp thời, thể hiện tinh thần quyết tâm, quyết liệt của lãnh đạo thành phố nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ đạo của Trung ương, tạo động lực vật chất vận hành hiệu quả cơ chế đặc thù với những chính sách vượt trội. Đó là những giải pháp cấp bách, đột phá mạnh mẽ vào những điểm nghẽn trọng yếu để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Đây cũng là cuộc sát hạch để rà soát chất lượng, năng lực vận hành của bộ máy hành chính công. Với tinh thần “Ai không làm được thì đứng qua một bên”, những cán bộ, công chức, viên chức cầu an, thiếu nhiệt huyết, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẽ kiên quyết điều chuyển, cho thay thế. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm của lãnh đạo thành phố bằng cách nói hình tượng: Ai không làm được hoặc không chịu làm sẽ thay “cầu thủ”, thay cả “huấn luyện viên”...

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phi Dần, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Quang Phúc bày tỏ: “Doanh nhân, doanh nghiệp chúng tôi luôn quan tâm, theo dõi các chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Mong rằng, trên đã “nóng” thì dưới không thể “lạnh”. Tinh thần quyết tâm, quyết liệt của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cần được truyền lửa trong cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở để kịp thời tháo gỡ những nút thắt về quy trình, thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”.

Đồng chí Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7 cho biết: Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận đã họp, tổ chức rà soát, triển khai ngay các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công. “Chúng tôi đã họp và thống nhất các giải pháp triển khai ngay các công việc cấp bách, đến tháng 7 sẽ họp lại để đánh giá kết quả, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm. Mục tiêu của quận 7 là đến tháng 7 sẽ giải ngân đạt khoảng 35%. Đến tháng 11 sẽ đạt mức 90% và cuối năm sẽ hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành tiến độ các dự án thuộc thẩm quyền. Cả hệ thống chính trị của quận đã xác định quyết tâm như vậy rồi, không thể khác được”, đồng chí Võ Khắc Thái khẳng định.

Nhiều địa phương, sở, ngành khi chúng tôi liên hệ phỏng vấn cũng có những cam kết, khẳng định tương tự. Với tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”... hệ thống chính trị của TP Hồ Chí Minh đã thể hiện quyết tâm cao để khắc phục “trận thua đậm” của kinh tế quý I, khôi phục đà tăng trưởng ngay từ quý II-2023. Những thách thức nội tại của bộ máy công quyền được nhìn nhận, tháo gỡ từ chính tinh thần ấy.

Công nhân Tổng công ty Cổ phần may Nhà Bè (quận 7, TP Hồ Chí Minh) sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: Phan Lợi

Công nhân Tổng công ty Cổ phần may Nhà Bè (quận 7, TP Hồ Chí Minh) sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: Phan Lợi

Giải quyết từ căn nguyên của những thách thức

Sự trì trệ trong những phân khúc nhất định của bộ máy hành chính công ở TP Hồ Chí Minh đã được chỉ ra. Và để xốc lại tinh thần đội ngũ, năng lực vận hành của bộ máy hành chính, phải đi từ căn nguyên của vấn đề. Bàn về vấn đề này, Th.S Đinh Tiên Hoàng (Trường Đại học Văn Lang) nêu quan điểm:

- Thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong cơ chế đặc thù đã bộc lộ không ít tồn tại, bất cập. Tồn tại lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực trầm trọng ở một số cấp, ngành, lĩnh vực. Với đặc thù là đô thị trung tâm của vùng, dân số quy mô lớn, mật độ dân cư cao (theo thống kê, gần 4.300 người/km2, có 48 phường có dân số 80.000 người trở lên và 6 phường có dân số trên 100.000 người), gia tăng dân số cơ học cao tạo sức ép lớn lên bộ máy quản lý các cấp. Một số phường có quy mô dân số hơn 100.000 người, tương đương với quy mô dân số của một thị xã ở nhiều tỉnh, thành phố khác, nhưng số công chức, viên chức của phường chỉ có 35-37 người. Do nguồn nhân lực của bộ máy hành chính công quá mỏng nên đã bộc lộ những “khoảng trắng” về quản lý nhà nước. Áp lực công việc lớn trong khi thu nhập thấp nên nhiều cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc, ra làm ngoài.

Khi thực hiện cơ chế đặc thù, thành phố được Trung ương cho thí điểm thành lập một số đơn vị quản lý mang tính đặc thù như: Đội Quản lý trật tự đô thị, Ban Quản lý an toàn thực phẩm... Sau thời gian thí điểm, dù được đánh giá cao về tính hiệu quả, nhưng khi hết thời hạn thí điểm, thành phố lại phải đề nghị Trung ương cho phép tiếp tục duy trì mô hình bộ máy đặc thù này theo kiểu “thí điểm kéo dài”. Vì thiếu tính ổn định nên khó có chiến lược, kế hoạch hoạt động khoa học, giữ chân nguồn nhân lực.

“Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính công của TP Hồ Chí Minh hiện nay như "chiếc áo quá chật" so với quy mô, tốc độ phát triển và mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ. Qua Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi kiến nghị, trong quá trình xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, cần đưa vào nội dung cho phép TP Hồ Chí Minh được chủ động, phân cấp, phân quyền về tổ chức bộ máy hành chính công. HĐND thành phố được giao thẩm quyền tự quyết mạnh hơn, cụ thể hơn trong việc thành lập, bố trí cơ cấu, số lượng biên chế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thẩm quyền đặc thù này phải gắn liền với tự chủ, cân đối ngân sách chi trả lương, thu nhập, chi phí hoạt động của bộ máy và công chức, viên chức. Cơ chế giao quyền này sẽ tạo ra sự chủ động trong quản lý điều hành, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước”, Th.S Đinh Tiên Hoàng kiến nghị.

Cùng quan điểm trên, TS Huỳnh Thế Du cho rằng: Giải pháp lâu dài là phải tạo dựng niềm tin, niềm tự hào gắn với bảo đảm đời sống cho đội ngũ cán bộ công chức. Nếu những điều cơ bản trong cuộc sống không được bảo đảm và người đi làm không có đủ niềm tin và sự tự hào, sẽ rất khó. Thách thức hơn là những người có khả năng lại rời bỏ hay không muốn vào khu vực công. Khi đó tình hình sẽ còn khó khăn hơn nhiều...

Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã phân công 13 cán bộ Thường trực Thành ủy và các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện 38 công trình, dự án trọng điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đảm nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát 3 dự án gồm: Dự án xây dựng đường sắt đô thị (Metro) tuyến số 1 (Bến Thành-Suối Tiên); Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) và Dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó bí thư Thành ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát 5 dự án. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát 5 dự án...

(còn nữa)

TÙNG SƠN - TRUNG KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-co-che-dac-thu-tao-xung-luc-giup-tp-ho-chi-minh-phat-trien-ben-vung-bai-3-tap-trung-giai-quyet-nhung-thach-thuc-noi-tai-727175