Để có tác phẩm báo chí hay về đề tài 'xây dựng Đảng về đạo đức'

Trong cuộc đời người làm báo, ai cũng muốn có những tác phẩm báo chí hay, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc. Để có tác phẩm báo chí hay, không phải việc làm dễ dàng, tác phẩm báo chí hay về đề tài 'xây dựng Đảng về đạo đức' lại càng khó. Thế nhưng đúng như Bác Hồ đã nói 'Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên'.

Đề tài “khô, khó, khổ, khiếp”

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu luôn quan tâm, đề cao công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi đầu tiên trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh, đạo đức là “gốc” của người cách mạng, bởi “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Đại tá, Nhà báo Đỗ Phú Thọ, chuyên gia Ban chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân thông tin tại hội nghịtập huấn kỹ năng viết bài chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, năm 2023

Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 94 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân, xứng đáng với trọng trách được nhân dân tin tưởng giao phó.

Đạo đức là “gốc” của người cán bộ cách mạng, nhưng để có tác phẩm báo chí hay về đề tài này thì không đơn giản. Nhiều phóng viên trẻ đã gán ghép cho đề tài báo chí xây dựng Đảng nói chung với 3 chữ “KH” là “khó, khô, khổ”, còn với xây dựng Đảng về đạo đức thì thêm chữ “KH” thứ tư là “khiếp” bởi rất dễ “động chạm”, dễ “nhạy cảm”, không cẩn thận lại còn bị soi mói là “lên mặt dạy đời”…

Để tác phẩm báo chí về đề tài “Xây dựng Đảng về đạo đức” hấp dẫn

Đề tài hay

Tác phẩm báo chí hay, muốn đoạt giải cao trong các cuộc thi thì việc tuyển chọn đầu tiên là tác phẩm phải có đề tài hay. Một đề tài hay phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Đúng - trúng - hấp dẫn (lôi cuốn). Điều này thường được thể hiện ngay trong tiêu đề bài báo hoặc trong giới thiệu tác phẩm (sapo). Đúng là đúng quan điểm, đường lối của Đảng. Trúng là phù hợp với niềm mong mỏi của công chúng về vấn đề nhà báo nêu ra. Hấp dẫn ở sự kiện mới và cách thể hiện phù hợp.

Đề tài xây dựng Đảng về đạo đức tưởng hẹp nhưng rất rộng, quan trọng là chúng ta phải lựa chọn cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, thế mạnh của phóng viên.

Nội dung thiết thực, chân thực và giàu chi tiết báo chí

Tác phẩm phải có nội dung thiết thực, chân thực và giàu chi tiết báo chí. Một tác phẩm có tiêu đề hay, đề tài hay, nhưng nội dung nghèo nàn, sơ lược, nội dung không sát với tiêu đề, không thiết thực với mong muốn nóng hổi của công chúng, sẽ không được đánh giá cao. Mặt khác, tác phẩm có đề tài hay, nội dung ăn khách, sát với đầu đề tác phẩm, nhưng nội dung lại thiếu chân thực, thiếu độ tin cậy, cũng sẽ không được đón nhận, không được đánh giá cao. Nội dung tác phẩm có tính thiên vị, định kiến, áp đặt hay thiếu chứng cứ chắc chắn, cũng dễ bị bỏ qua, dù cho tên bài hấp dẫn, thu hút. Tác phẩm nếu thiếu chi tiết báo chí sinh động, chi tiết đắt, có tính đại diện, tính khái quát cao, cũng sẽ không thu hút được công chúng và Hội đồng giám khảo. Chi tiết nhỏ làm nên nhà báo lớn. Nếu bỏ qua chi tiết, bài báo khó đứng vững, khó thuyết phục công chúng, kể cả phát thanh, truyền hình…

Tác phẩm báo chí phải có chiều sâu và phải đi hết vấn đề

Tác phẩm báo chí chất lượng cao cần phải có tính phát hiện, có tầm ảnh hưởng xã hội. Thật tiếc là nhiều tác phẩm có đề tài tốt, đầu đề hay, giới thiệu hấp dẫn, nhưng tác giả lại không đào sâu được vấn đề, không đẩy hết tầm của vấn đề. Điều này sẽ khiến người đọc, người xem có cảm giác hụt hẫng, thất vọng… Nguyên nhân thường do tác giả chưa đủ năng lực, đủ tầm khái quát và đào sâu chủ đề, chi tiết. Mặt khác, sự kiện được phản ánh phải xứng tầm của chủ đề tác phẩm. Nếu chủ đề nghe hấp dẫn, gây tò mò, hào hứng, nhưng sự kiện, chi tiết và vấn đề được phản ánh lại không có tính đại diện, thậm chí ngược lại, phản tác dụng. Thực tế nhiều tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia, Giải Búa liềm vàng là kết quả của một quá trình lao động công phu của tác giả, thể hiện qua nhiều kỳ, nhiều phần, nhiều nội dung bổ trợ cho chủ đề chính của tác phẩm.

Tác phẩm phải mang đậm dấu ấn lao động của nhà báo

Tác phẩm phải mang đậm dấu ấn lao động của nhà báo. Đọc, xem, nghe các tác phẩm đoạt giải cao thường thấy những giọt mồ hôi, nước mắt của các nhà báo trong đó khi tích lũy tư liệu, khai thác, thu thập, xử lý thông tin… Lao động của nhà báo còn cho thấy sự dấn thân của nhà báo, sự hiểu biết của nhà báo với đề tài mình thể hiện. Lao động nhà báo ở đây còn thể hiện quá trình theo dõi, trăn trở, nuôi và bám đề tài: Khi nào, ở đâu, làm gì, gặp ai, với phương tiện gì, điều kiện gì, trở ngại gì, thủ pháp gì?...

Tác phẩm phải được thể hiện đúng đặc trưng và ngôn ngữ thể loại, phù hợp đặc trưng loại hình báo chí

Thực tế nhiều tác phẩm ghi là phóng sự nhưng thực chất là bài phản ánh đơn thuần, không hề có chất phóng sự, không có câu chuyện nhân vật với những chi tiết sinh động... Tác phẩm ghi là điều tra, nhưng thực ra lại là phóng sự, vì không có bất cứ dấu hiệu lao động điều tra nào của nhà báo. Có những tác phẩm ghi là phỏng vấn, dài cả mấy trang, nhưng không thể hiện đầy đủ đặc trưng một tác phẩm phỏng vấn (là câu chuyện hỏi - đáp có chủ đề giữa hai người, do phóng viên làm chủ, dẫn dắt…) mà chỉ là ghép câu hỏi gửi trước với câu trả lời. Thậm chí là chèn câu hỏi vào một tài liệu báo cáo đầy những con số dài dòng, tổng kết rồi ghi là phỏng vấn. Hoặc có ba, bốn câu hỏi thì đều là “xin đồng chí cho biết”.

Ngôn ngữ thể loại còn là phong cách riêng của nhà báo. Với đề tài xây dựng Đảng về đạo đức để tránh “khô khan” rất cần các tác giả sử dụng ngôn ngữ văn học và báo chí thành thục, giàu biểu cảm nhưng hoàn toàn chân thực, sinh động, cụ thể, gợi mở nhưng không sáo rỗng…

Cách thể hiện tác phẩm độc đáo, trình bày đẹp

Báo in nên có tranh, ảnh minh họa.

Báo điện tử cần sử dụng các công cụ đa phương tiện (như video clip, audio, ảnh, các dạng thức mới như megastory, longform…) để tăng độ hấp dẫn và tương tác có thể.

Truyền hình, phát thanh có thể có những “ô cửa” bên cạnh tác phẩm chính ví dụ như phóng sự xen phỏng vấn, chùm thông tin ngắn, thông tin đa chiều, âm thanh, hình ảnh sống động hơn, hiện đại. Có thêm phần kết nối với khán thính giả…

Nhà báo Đỗ Phú Thọ cùng các học viên thảo luận tại buổi tập huấn kỹ năng viết bài chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, năm 2023

Nhà báo Đỗ Phú Thọ cùng các học viên thảo luận tại buổi tập huấn kỹ năng viết bài chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, năm 2023

Kinh nghiệm sử dụng 8 chữ Đ trong sáng tạo tác phẩm báo chí về đề tài “xây dựng Đảng về đạo đức”

Nội dung: 2 chữ Đ (Đảng, Đúng)

Theo tôi, để có một tác phẩm báo chí về đề tài xây dựng Đảng về đạo đức hay, hấp dẫn, có thể đạt giải báo chí cao thì nội dung của tác phẩm này phải bảo đảm tính đảng và tính đúng.

Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện duy nhất hợp pháp cho quyền lợi của nhân dân. Do vậy, việc báo chí được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ cho đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng, đồng thời cũng đồng nghĩa với việc thể hiện cao nhất, đầy đủ nhất trách nhiệm xã hội của báo chí. Đề tài xây dựng Đảng về đạo đức lại càng phải mang tính đảng.

Đúng: Tính đúng đắn, chân thật của tác phẩm báo chí có vai trò vô cùng quan trọng và là nguyên tắc hàng đầu của báo chí. Trước hết là đúng về thể loại, đúng trong các chi tiết, sự kiện…

Để bảo đảm tính đảng và tính đúng, đòi hỏi người viết trước hết phải có bản lĩnh vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết với Đảng; đồng thời phải là những người có nghiệp vụ tốt, có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về Đảng mới làm được những tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn, thu hút công chúng về đề tài xây dựng Đảng về đạo đức. Các cây viết, tay máy phải nghiên cứu cơ sở, bám sát thực tiễn đời sống; phản ánh được ý kiến của nhân dân khi tham gia xây dựng Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Hình thức: Hai chữ Đ (Đủ, Đẹp)

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, tâm lý của nhiều người đọc báo, tạp chí ngại các tác phẩm báo chí có dung lượng lớn, vì thế các tác giả nên tránh những chi tiết thừa, viết vừa đủ. Để có tác phẩm báo chí hấp dẫn thì việc trình bày tác phẩm rất quan trọng. Muốn trình bày đẹp thì tít phải ngắn, phần tóm tắt và sapo ngắn, tít chính bài, tít xen, tít phụ phải hấp dẫn. Ngôn từ sử dụng phải đẹp.

Để bảo đảm hai chữ Đ trên đây, đòi hỏi những người sáng tạo ra tác phẩm báo chí phải dấn thân vào nghề, chọn lọc các chi tiết đắt giá, dám cắt bỏ những chi tiết thừa và chịu khó học tập, rèn luyện tay nghề.

Quá trình sáng tạo tác phẩm: Bốn chữ Đ (đi, đến, đọc, đánh)

Muốn có tác phẩm báo chí mang tính đảng, tính đúng đắn, ảnh minh họa đẹp, hình ảnh, âm thanh sống động, đòi hỏi người viết phải đi, phải đến gặp các cơ quan chức năng, các chuyên gia, đến cơ sở để cập nhật thông tin, tham khảo cách thức thể hiện.

Đi và đến cơ sở phải tìm hiểu thực tế bằng “mắt thấy, tai nghe, tay sờ”, tìm hiểu nhiều chiều không nên tìm hiểu qua báo cáo hoặc lăng kính của một người. Kịp thời phản ánh những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức; biểu dương những cán bộ, đảng viên gương mẫu và xây dựng hình ảnh tích cực của người cán bộ làm công tác đảng ở các cấp để đảng viên và quần chúng noi theo.

Muốn sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có chất lượng, người viết phải đọc tài liệu. Nhất là các văn kiện, nghị quyết của Đảng phải đọc các tài liệu liên quan đến xây dựng Đảng về đạo đức, đọc để hiểu về các luận điệu sai trái, thù địch để tìm cách đấu tranh phản bác.

Bên cạnh việc cổ vũ những mặt tích cực, những việc làm được, người viết cần luôn sẵn sàng cho việc đánh vào những yếu kém, những việc chưa làm được ở từng cấp ủy, tránh một chiều trong tuyên truyền về xây dựng Đảng. Đánh các quan điểm sai trái, thù địch. Để các bài đánh này hiệu quả, người viết cần phải có dũng khí, dám hy sinh vì lẽ phải.

Đại tá Đỗ Phú Thọ, chuyên gia Ban chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/160963/de-co-tac-pham-bao-chi-hay-ve-de-tai-xay-dung-dang-ve-dao-duc