Để Công đoàn xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động
Tại Đại hội của một số Công đoàn cơ sở vừa được tổ chức gần đây, nhiều công đoàn viên đã có dịp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như đưa ra những giải pháp hữu ích để tổ chức Công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của cán bộ, đoàn viên và người lao động.
Đại hội công đoàn các cấp là dịp tổ chức cho đoàn viên tham gia thảo luận, đánh giá tình hình hoạt động của công đoàn; kết quả thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn, nghị quyết đại hội công đoàn cấp trên trong thời gian qua và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ hoạt động cho thời gian tới.
Qua ghi nhận tại một số Đại hội, các công đoàn viên đã đóng góp rất nhiều ý kiến quan trọng nhằm giúp tổ chức Công đoàn vừa nâng cao chất lượng hoạt động, vừa chăm lo tốt đời sống cho cán bộ, viên chức và người lao động.
Theo chị Hoàng Thị Huyền, đoàn viên Công đoàn Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, việc chăm lo đời sống cho cán bộ, viên chức và người lao động là nhiệm vụ quan trọng của Công đoàn cơ sở. Điều này không chỉ đảm bảo tính đặc trưng của Công đoàn, mà còn tạo sức mạnh đoàn kết, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cũng theo chị Huyền, chất lượng chuyên môn của tập thể được làm nên từ chất lượng chuyên môn của mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân nói riêng, tập thể nói chung, yên tâm công tác, đầu tư để có chất lượng chuyên môn tốt, đời sống được cải thiện và nâng cao, có sự góp phần không nhỏ của tổ chức Công đoàn.
“Công đoàn là mái ấm, là tiếng nói đại diện cho tập thể nhà giáo, người lao động trên mọi hoạt động. Người cán bộ Công đoàn phải thực sự là người đồng chí, người đồng nghiệp, người bạn gần gũi thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư của các đồng chí mình; luôn quan tâm đến đời sống của các công đoàn viên thì mới xây dựng được tổ chức Công đoàn thực sự trở thành tổ ấm thứ hai của mỗi đoàn viên”, chị Huyền nhấn mạnh.
Để thực hiện tốt việc chăm lo chăm lo cho đời sống cán bộ, viên chức và người lao động, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cũng như nâng cao chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ của nhà trường, chị Huyền đưa ra một số giải pháp như: Một là, Ban Chấp hành Công đoàn phải là một tập thể đoàn kết, có năng lực tổ chức các hoạt động của công đoàn; mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; đồng thời tập thể Công đoàn nhà trường phải thực sự là tập thể đoàn kết, là “tổ ấm” của tất cả đoàn viên công đoàn.
Hai là, Ban Chấp hành phải chủ động tham mưu, phối kết hợp với Ban lãnh đạo nhà trường về chỉ đạo hoạt động công đoàn, đồng thời chủ động bàn bạc, xây dựng quy chế phối hợp giữa công đoàn với chuyên môn.
Ba là, làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công đoàn viên như tổ chức đa dạng hơn các hoạt động thể thao, thăm hỏi trực tiếp để động viên các đoàn viên khi có việc hiếu, hỷ; tổ chức các lớp học thể thao như nhảy, khiêu vũ, thể dục hay các buổi tọa đàm về làm đẹp, sức khỏe và hạnh phúc gia đình.
Bốn là, Ban Chấp hành Công đoàn phải phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, đoàn thể trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong năm học, phối hợp trong việc phân công phân nhiệm rõ ràng cụ thể, giao việc cho từng cá nhân trong ban chấp hành. Tích cực nâng cao hiệu quả công tác để tham mưu, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của chính quyền nhà trường về thời gian kinh phí để tổ chức các hoạt động theo kế hoạch đạt chất lượng cao nhất.
Cũng đóng góp ý kiến để tổ chức Công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của cán bộ, đoàn viên, người lao động, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, đoàn viên Công đoàn Cơ quan Dân, Đảng quận Hai Bà Trưng đưa ra ba giải pháp chính như sau:
Thứ nhất, Công đoàn cần thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, người lao động. Đặc biệt quan tâm đến các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi của người lao động. Kịp thời thăm hỏi, động viên khi gia đình đoàn viên bị ốm đau hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống.
Thứ hai, Công đoàn phải luôn phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, thể hiện rõ hơn nữa chức năng đại diện quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, chăm lo đời sống cũng như điều kiện, môi trường làm việc của cán bộ, đoàn viên, người lao động. Kịp thời cùng lãnh đạo đơn vị tháo gỡ những vấn đề phát sinh để người lao động yên tâm công tác.
Thứ ba, quan tâm đẩy mạnh việc tổ chức các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa thể thao, tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm, tạo không khí thi đua sôi nổi, khích lệ tinh thần của cán bộ, đoàn viên, người lao động. Bên cạnh đó, kịp thời khen thưởng động viên đối với đoàn viên có thành tích, tìm kiếm và phát huy các nhân tố tích cực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển, nhân rộng.