Để công nghiệp năng lượng là 'đòn bẩy' thúc đẩy phát triển kinh tế
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, trong đó nổi bật là năng lượng tái tạo có bước phát triển vượt bậc, tổng công suất phát điện cuối năm 2020 đạt 377 MW, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2015. Thời gian tới, tỉnh phấn đấu thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển công nghiệp năng lượng. Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế, trong đó có công nghiệp năng lượng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch… Đây là một trong những điều kiện mở ra triển vọng đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.
Trên thực tế, đặc điểm tự nhiên và điều kiện khí hậu không mấy thuận lợi của tỉnh Quảng Trị hiện lại là tiềm năng dồi dào để thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng. Từ địa hình đồi núi có dốc cao, vực sâu, nhiều sông suối đến điều kiện thời tiết nắng gió quanh năm phù hợp với sự phát triển của đa dạng loại hình, cả nhiệt điện, điện khí, điện gió, điện mặt trời và thủy điện. Để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng trên địa bàn, tỉnh đã tập trung công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh cũng như phát triển điện lực quốc gia.
Theo khảo sát, tổng công suất tiềm năng trên địa bàn tỉnh hơn 14.000MW, trong đó điện khí 6.340MWW, điện gió 4.000MWW, điện mặt trời 1.750MWW, thủy điện 311MWW, nhiệt điện than 2.400NWW, ngoài ra còn có khoảng 200MW điện sinh khối, điện áp mái. Đến hết năm 2020 đã có 13 dự án năng lượng đi vào hoạt động với công suất 276MWW, trong đó thủy điện 10 dự án, điện gió 2 dự án, điện mặt trời có 1 dự án đi vào vận hành. Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong phát triển năng lượng như: Tập đoàn T&T, Gazprom, EGati, Tân Hoàn Cầu, Gilex... Các dự án đã được bổ sung quy hoạch đang triển khai thủ tục đầu tư và xây dựng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2020-2025 để đồng bộ với các dự án đầu tư hạ tầng đấu nối trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng đến mạng lưới truyền tải để kết nối các dự án đã và đang đầu tư trên địa bàn, đảm bảo dự án đầu tư được truyền bán lên lưới điện quốc gia. Hiện nay, theo hướng Bắc- Nam, lưới điện quốc gia đi qua địa bàn Quảng Trị có đường dây 500KV mạch kép, đường dây 220KV mạch đơn và đường dây 110KV mạch kép. Mạch 3, đường dây 500KV và mạch 2, đường dây 220KV đang được EVN đầu tư khi đi vào vận hành sẽ giải tỏa công suất các nhà máy nhiệt điện than, điện khí, điện mặt trời ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và các khu vực ven biển. Theo hướng Đông-Tây, Quảng Trị có đường dây 110KV Đông Hà - Lao Bảo, mạch kép đang được nâng cấp phân pha, tổng công suất giải tỏa khoảng 230MW. Dự án đường dây 220KV Đông Hà - Lao Bảo khi đi vào vận hành sẽ nâng công suất giải tỏa lên 1.200MW. Ngoài ra lưới điện phục vụ sinh hoạt đã phủ khắp toàn tỉnh với tỉ lệ người dân dùng điện trên 99,8%.
Như một cơ duyên để từng bước hiện thực hóa triển vọng trở thành trung tâm năng lượng của khu vực, ngay từ những ngày đầu năm mới 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã thống nhất bổ sung quy hoạch giai đoạn 1 (1.500 MW) dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng vào Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011 - 2020, có xét tới năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) để hỗ trợ tỉnh sớm khởi công vào năm 2023, đưa vào vận hành giai đoạn 2026 - 2027. Các giai đoạn sau của Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (tổng công suất 3.000MW) được xem xét tổng thể trong Đề án Quy hoạch điện VIII. Ngày 24/2/2021 (nhằm ngày 13 tháng Giêng năm Tân Sửu) đoàn công tác Công ty Năng lượng ENI Việt Nam (ENI Việt Nam), thuộc Tập đoàn Năng lượng Dầu khí ENI, Italia do Giám đốc điều hành Luca Dragonetti làm trưởng đoàn đã “xông đất” Quảng Trị.
Đoàn đã được lãnh đạo tỉnh tiếp, làm việc về các nội dung: Khảo sát, tìm hiểu về Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, kế hoạch triển khai dự án Cảng Mỹ Thủy và các chính sách phát triển kinh tế của tỉnh. Đáng chú ý là vào năm 2019, ENI Việt Nam đã tiến hành khảo sát, thăm dò mỏ Kèn Bầu trên thềm lục địa Việt Nam, cách tỉnh Quảng Trị khoảng 65 km. Với kết quả này, ENI Việt Nam và đối tác đang triển khai thẩm lượng tổng thể mỏ Kèn Bầu để nghiên cứu kế hoạch cung cấp khí tự nhiên, phát triển các dự án năng lượng tại Việt Nam. ENI Việt Nam đang trong giai đoạn đầu thẩm lượng trữ lượng mỏ Kèn Bầu nhưng đang đẩy mạnh các công tác kỹ thuật liên quan để có thể sớm đưa mỏ vào khai thác trong giai đoạn 2024 - 2025. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có điều kiện thuận lợi là nơi tiếp bờ cho mỏ khí Kèn Bầu.
Trong tương lai, các dự án động lực tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị sẽ được triển khai, trong đó có khu phức hợp năng lượng bao gồm trung tâm nhiệt điện khí, kho khí, xử lý khí, điểm đấu nối khí vào bờ... Việc kết nối mỏ Kèn Bầu vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị sẽ hết sức thuận lợi trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt về khu phức hợp năng lượng, các dự án điện khí LNG, quy hoạch về phát triển ngành công nghiệp khí, điện khí, đường ống dẫn khí vào bờ, điều kiện đấu nối lên lưới điện quốc gia… Tại địa phương, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cũng đã ký văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại chăn nuôi công nghệ cao kết hợp điện mặt trời áp mái của Công ty TNHH Phát triển Năng lượng và Nông nghiệp công nghệ cao Quảng Trị với tổng vốn đầu tư (trước thuế) dự kiến trên 36.000.000 USD.
Để đưa Quảng Trị đến năm 2030 trở thành trung tâm năng lượng miền Trung, phấn đấu phát triển các dự án ngành điện trên địa bàn đến 2025 khoảng 6.500MWW, đến năm 2030 khoảng 8.000MWW và sau năm 2030 là trên 10.000MW, quan trọng nhất vẫn là thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó chú trọng khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là đầu tư hạ tầng đấu nối các dự án năng lượng để giải tỏa hết công suất các dự án đang triển khai đầu tư, nghiên cứu đầu tư trên địa bàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng, địa phương có lợi thế, như điện gió, thủy điện phía Tây, điện khí, than tại Khu kinh tế Đông Nam, điện mặt trời ven biển phía Đông tỉnh... Ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân phát triển công nghiệp, trong đó tập trung hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án trọng điểm như: Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1, Dự án Nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Quảng Trị 340 MW, Dự án nhiệt điện khí hóa lỏng LNG... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155834