Để công tác xã hội hóa y tế phát huy hiệu quả
Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc y tế cho Nhân dân, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã có các đề án, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa (XHH), đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư, khuyến khích phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập. Việc XHH y tế đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), giúp người dân có nhiều sự lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Hải Tiến trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Nắm bắt chủ trương XHH công tác y tế của Nhà nước và nhận thấy nhu cầu KCB của người dân trên địa bàn ngày một tăng, năm 2014 Công ty Cổ phần Medipha đã đầu tư đưa vào hoạt động Phòng khám đa khoa Hải Tiến tại xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa). Đến cuối năm 2019 chính thức được quyết định nâng lên thành Bệnh viên Đa khoa Hải Tiến. Khi thành lập, Phòng khám chỉ có diện tích 130 m2, đến nay được nâng lên hơn 15.000 m2.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Tiến cho biết: Ðể nâng cao chất lượng KCB, bệnh viện không ngừng đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, có tổng trị giá hơn 60 tỷ đồng như máy chụp cắt lớp vi tính, máy Xquang cao tần, máy siêu âm 5D, hệ thống máy xét nghiệm tự động, hệ thống máy nội soi tiêu hóa...
Ðể làm chủ những thiết bị, kỹ thuật y tế hiện đại, bệnh viện luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng chuyên môn cho các y, bác sĩ; đồng thời thu hút, ký hợp đồng với nhiều y, bác sĩ có tay nghề cao. Với đội ngũ y, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới trong KCB, sàng lọc ung thư, triển khai dịch vụ chăm sóc sản phụ, thai phụ, mổ lấy thai và các phẫu thuật khác giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh sau phẫu thuật. Trong công tác chăm sóc trẻ sơ sinh, bệnh viện cũng ứng dụng các kỹ thuật, thiết bị hiện đại điều trị các bệnh lý sau sinh cho trẻ, đảm bảo tất cả trẻ sơ sinh tại khoa được chăm sóc chu đáo, tận tình, chuyên nghiệp.
Với những chính sách ưu đãi, khuyến khích trong đầu tư phát triển, Thanh Hóa đã thu hút được nhiều nhà đầu tư để xây dựng bệnh viện, cơ sở y tế, mở rộng mạng lưới cơ sở y tế ngoài công lập, qua đó góp phần chia sẻ với hệ thống y tế công lập trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân; đưa dịch vụ kỹ thuật cao, đa dạng phục vụ cho người dân. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 19 bệnh viện ngoài công lập, 1.543 phòng khám đa khoa và chuyên khoa, trên 2.500 cơ sở kinh doanh dược (chưa kể tủ thuốc trạm y tế xã). Quy mô giường bệnh tại các đơn vị y tế ngoài công lập đã đạt gần 24% tổng số giường bệnh toàn tỉnh. Năm 2022, tỷ lệ cung cấp các dịch vụ cận lâm sàng cho người dân của các cơ sở y tế ngoài công lập đạt 23,5%; tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú đạt 20,4%.
Ngoài hệ thống các bệnh viện, cơ sở hành nghề y tư nhân được thành lập từ nguồn XHH của các tổ chức, cá nhân, hệ thống y tế công lập những năm gần đây cũng phát triển mạnh từ nguồn vốn XHH thông qua các hình thức hỗ trợ hoặc góp vốn liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư để xây dựng, thành lập mới cơ sở KCB và mua sắm trang thiết bị hiện đại, tiên tiến phục vụ công tác KCB. Thực hiện công tác XHH đầu tư xây dựng bệnh viện theo tinh thần Nghị quyết số 93/NQ-CP, ngày 15-12-2014 của Chính phủ, bằng nguồn vốn đầu tư, một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu KCB cho Nhân dân...
Bác sĩ Phùng Sỹ Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân cho biết, qua thời gian triển khai công tác XHH, bệnh viện được đông đảo bệnh nhân, người dân và cán bộ y tế đồng tình, ủng hộ, bởi chất lượng dịch vụ được nâng lên rõ rệt. Nhiều trang thiết bị hiện đại được đưa vào phục vụ người bệnh, nhiều kỹ thuật chuyên sâu được đội ngũ y, bác sĩ nắm vững, làm chủ, từ đó góp phần giảm khoảng cách về chất lượng các dịch vụ KCB với các địa phương khác, tạo niềm tin cho người bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm chi phí tốn kém cho người bệnh và xã hội.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa Đỗ Thái Hòa cho biết: Thực hiện mục tiêu nâng cao hơn nữa công tác KCB, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong điều kiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước hạn hẹp, ngành y tế đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư theo phương thức XHH, góp phần xây dựng, nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, giúp đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh từng bước làm chủ các kỹ thuật khó trong y học hiện đại.
Thực tế cho thấy, hiệu quả của XHH y tế đã tác động nhiều mặt, nhiều chiều đến quá trình hiện đại hóa ngành y tế và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; cán bộ y tế được đào tạo bài bản, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học về y học, chủ động trong việc tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn sâu, kỹ thuật chuyên khoa trong điều trị bệnh và phòng bệnh, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế y tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện XHH y tế thời gian qua cũng bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập như Nghị quyết số 93/NQ-CP ra đời nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện nên việc triển khai rất khó khăn. Trong lĩnh vực y, dược tư nhân sự phát triển cả về số lượng lẫn loại hình hành nghề đã làm cho công tác quản lý Nhà nước gặp không ít khó khăn. Cơ chế, chính sách chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu đồng bộ, còn chưa phù hợp, làm cho quá trình XHH còn chậm so với yêu cầu... Về lâu dài, để XHH y tế đi đúng hướng cần có những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo mục đích, yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.