Để công trình giao thông phát huy hiệu quả sau đầu tư
ĐBP - Với phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm', thời gian qua, nhiều công trình giao thông nông thôn ở vùng cao sau khi được đầu tư, bàn giao, đưa vào sử dụng đã được người dân bảo vệ, phát huy giá trị, giúp họ thuận tiện hơn trong đi lại, nhất là vào mùa mưa bão.
Tuyến đường Nậm Khum - Nậm Sin (huyện Mường Nhé) được người dân quản lý, bảo vệ tốt sau khi đưa vào sử dụng.
Đến bản Hin 2, xã Na Sang (huyện Mường Chà) hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự phát triển từng ngày của bản. Ngoài những ngôi nhà khang trang, san sát nhau, nơi đây còn có hệ thống đường giao thông kiên cố rộng rãi, sạch đẹp. Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết, có được hệ thống đường giao thông đẹp như này, ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, còn có sự nỗ lực rất lớn từ phía nhân dân. Bởi người dân rất trân trọng và thường xuyên bảo vệ con đường này, tránh bị xuống cấp, hư hỏng.
Theo ông Vàng A Pó, trước đây, Hin 2 cũng là bản khó khăn như các bản vùng cao khác trong xã, nhất là hệ thống đường giao thông chật hẹp, ô tô không vào tới được khiến cho việc đi lại, giao thương của bà con không mấy thuận lợi. Trước tình hình đó, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, xã Na Sang được hỗ trợ để thi công công trình đường. Tuy nhiên, để mở rộng tuyến đường, cần có sự hỗ trợ của người dân. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; ngoài sự đầu tư của Nhà nước, người dân đã hiến đất làm đường rộng hơn. Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, người dân đã đồng thuận, bàn giao đất cho đơn vị thi công. Đến nay, con đường nội bản Hin 2 đã khang trang, rộng rãi, giúp nhân dân trên địa bàn đi lại thuận tiện hơn.
Là địa phương khó khăn nhất nhì của tỉnh Điện Biên, nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận, hỗ trợ từ phía nhân dân, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Mường Nhé đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều tuyến giao thông được đầu tư, mở rộng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 11/11 xã trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm xã; hệ thống đường trục xã, liên xã, trục bản, liên bản đã được cứng hóa, đi lại thuận tiện quanh năm; trong đó, 196,44km đường trục bản, liên bản đã được cứng hóa đạt chuẩn. Riêng hệ thống đường nội bản hiện đã được cứng hóa 116,8km/159km, đạt trên 72%.
Ông Đàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé cho biết: Mỗi năm, huyện được phân bổ kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, trong đó phần lớn để đảm bảo giao thông nông thôn. Tuy nguồn ngân sách này chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu bảo trì mạng lưới giao thông nông thôn, nhưng do sử dụng hiệu quả nguồn vốn nên sự cố trên các tuyến đường luôn được khắc phục nhanh, đảm bảo thông suốt.
Cũng theo ông Đàm Văn Cường, cùng với công tác duy tu, bảo dưỡng; quản lý các phương tiện quá khổ, quá tải, để mỗi công trình giao thông phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã huy động người dân tham gia tự quản, bảo vệ các tuyến đường giao thông nông thôn. Hiệu quả rõ rệt nhất là từ khi huyện tập trung cứng hóa giao thông nông thôn theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ý thức bảo vệ các công trình giao thông nông thôn của nhân dân được nâng lên đáng kể. Trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều các thôn, bản, đội sản xuất xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ các tuyến đường giao thông nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có hơn 9.568km đường giao thông (bao gồm các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đô thị, nông thôn) và 123/129 xã, phường, thị trấn, ô tô đến được trung tâm xã các mùa trong năm. Với ý nghĩa đi trước mở đường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu giao thương hàng hóa, nhất là ở vùng cao, biên giới. Do vậy, để phát huy hơn nữa các công trình giao thông sau đầu tư, cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân cần cộng đồng trách nhiệm trong bảo vệ, quản lý, có như vậy những công trình này mới đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả lâu dài.