Để CPTPP, EVFTA đạt hiệu quả tối đa

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích kỳ vọng, EVFTA và CPTPP có hiệu quả trên thực tế hay không phụ thuộc vào năng lực thể chế và năng lực của các doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt công nghệ, học hỏi thông lệ cũng như kết nối để tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới.

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt công nghệ, học hỏi thông lệ cũng như kết nối để tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới.

Tuần trước, Nghị viện châu Âu trong phiên họp đã bỏ phiếu tán thành Hiệp định thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực nhiều nội dung sau khi Việt Nam tiến hành bỏ phiếu trong thời gian tới.

Đây là hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới tiếp theo với những cam kết mới, cam kết tiêu chuẩn cao mà Việt Nam tham gia, sau Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào tháng 1/2019.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định EVFTA và CPTPP đem lại nhiều điều mà Việt Nam đang kỳ vọng mà trước hết là thương mại, đặc biệt là xuất khẩu khi Việt Nam có lợi thế nhiều mặt hàng. Nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất khác cũng sẽ hưởng lợi khi xuất khẩu được thúc đẩy.

Bên cạnh đó, những FTA này giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài và dòng vốn giai đoạn này phù hợp hơn với chiến lược chuyển đổi, thu hút đầu tư vào Việt Nam. Đó là chất lượng, kỹ năng, công nghệ, tốc độ lan tỏa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, có trách nhiệm xã hội được chú trọng hơn.

Điều quan trọng hơn là các FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt CPTPP và EVFTA, là chất xúc tác để thúc đẩy cải cách thể chế vì đây là các hiệp định chất lượng rất cao. Có rất nhiều đòi hỏi buộc Việt Nam phải thay đổi về chính sách, về pháp luật như cạnh tranh, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước, đấu thầu hay mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ.

Những văn bản liên quan mang tính pháp lý cao sẽ gắn với câu chuyện minh bạch, câu chuyện xử lý tranh chấp, ông Thành phân tích. “Như vậy, cùng với cải cách thể chế, việc chơi với những thị trường đòi hỏi rất cao sẽ giúp Việt Nam bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, cạnh tranh bình đẳng hơn. Tôi nghĩ đây là những kỳ vọng mà chúng ta mong đợi”.

“Mọi thứ trên bàn đã có, cơ hội, thách thức, áp lực và vấn đề giờ đây là thực thi và hành động”, vị viện trưởng nhấn mạnh bên lề hội thảo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Refrom) mới đây.

TS. Võ Trí Thành.

TS. Võ Trí Thành.

Ông Thành cho rằng, có ba điểm mà Chính phủ cần đặc biệt quan tâm để tăng hiệu quả của CPTPP, EVFTA trong quá trình có hiệu lực.

Thứ nhất, các FTA đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp rất đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, từ Trung ương tới địa phương do tác động bao trùm lên nhiều khía cạnh đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, những FTA thế hệ mới đưa ra rất nhiều vấn đề mới như dịch chuyển dữ liệu, chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, “không chỉ là thực thi đúng cam kết mà Việt Nam còn cần phải vượt lên, suy nghĩ để vượt lên, đáp ứng xu thế mới để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững”, ông Thành nhấn mạnh.

Thứ ba, cùng với cải cách, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, cách ứng xử với doanh nghiệp cần được vận hành theo hướng thân thiện và hỗ trợ, giúp giảm thiểu các chi phí liên quan đến giao dịch cho kinh doanh. Đây là điểm mấu chốt để doanh nghiệp Việt lớn dần.

Về phía doanh nghiệp, cần đáp ứng những yêu cầu như nguyên tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, những đòi hỏi mới như tiêu chuẩn lao động, vấn đề môi trường để tận dụng triệt để cơ hội, lợi thế của nhiều mặt hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt công nghệ, học hỏi thông lệ cũng như chủ động kết nối, bao gồm kết nối đối tác và kết nối thông tin.

Minh Nhật

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/de-cptpp-evfta-dat-hieu-qua-toi-da-1582162640209.htm