Để Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia
Những năm qua, TP Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Nhờ vậy, phong trào khởi nghiệp ĐMST tại Đà Nẵng phát triển khá mạnh, tạo dấu ấn rõ nét. Tuy nhiên, để Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST quốc gia tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài.
Những tín hiệu khả quan
Đến IoT Space và Nomad Space tại Đà Nẵng, hầu hết khách hàng đều ấn tượng với space (không gian làm việc chung) nơi đây. Ngoài không gian làm việc với chi phí thấp, các startup (cá nhân, nhóm khởi nghiệp ĐMST) còn được hỗ trợ kết nối thông qua nền tảng conext. Sau khi đăng ký tài khoản miễn phí và giới thiệu ngắn gọn về chuyên môn của bản thân tại địa chỉ https://conext.asia, người dùng có thể trò chuyện và đăng ký gặp trực tiếp những người dùng khác trên conext, cũng như tìm kiếm thông tin tuyển dụng và ưu đãi từ các space tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hay các sự kiện sắp diễn ra... Ông Bùi Ngọc Vinh, Giám đốc Công ty ST United, người đồng sáng lập IoT Space và Nomad Space, chia sẻ: “Về cơ bản, space thường gắn liền với hệ sinh thái khởi nghiệp (STKN) sáng tạo. Mô hình không chỉ là không gian làm việc mà còn phải thúc đẩy sự tương tác kết nối giữa các startup, cộng đồng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao: IoT, AI... Qua hơn hai năm hoạt động, các space đã thu hút một số startup công nghệ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm thu hút các kỹ sư phần mềm tại Đà Nẵng”.
Thời gian qua, chính quyền TP Đà Nẵng rất quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ĐMST. Trên cơ sở Đề án “Hỗ trợ hệ STKN ĐMST quốc gia đến năm 2025” theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Đà Nẵng đã tham mưu với UBND TP Đà Nẵng ban hành các kế hoạch thực hiện đề án, triển khai hằng năm trên địa bàn... Để các chủ trương, chính sách đi vào thực tế, hằng năm, Sở KH&CN thành phố triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hệ STKN; hỗ trợ các thành phần trong hệ STKN kết nối với mạng lưới khởi nghiệp trong nước và quốc tế, giới thiệu sản phẩm và mời gọi đầu tư; tổ chức các sự kiện về khởi nghiệp như: Ngày hội khởi nghiệp ĐMST, triển lãm, hội nghị vùng, các cuộc thi về khởi nghiệp...
Đề cập về kết quả khởi nghiệp trên địa bàn thành phố, TS Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN TP Đà Nẵng cho biết: “Đến nay, Đà Nẵng đã xây dựng và hình thành hệ STKN trên địa bàn thành phố với 6 vườn ươm; 2 không gian sáng tạo; 9 không gian làm việc chung; 10 câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố và 2 quỹ đầu tư khởi nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đã ươm tạo được khoảng 130 dự án khởi nghiệp, chủ yếu ở lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch”.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, để thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình số 36-CTr/TU, ngày 13-1-2020, về triển khai thực hiện Chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo-khoa học-công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao”. Theo đó, thành phố hình thành môi trường khởi nghiệp ĐMST thân thiện, thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; tạo nền tảng để thực hiện ý tưởng “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, coi đây là chìa khóa để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn chiến lược 2021-2030”. Tầm nhìn đến năm 2045, TP Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo-khoa học-công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, TP Đà Nẵng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài, như: Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông khởi nghiệp ĐMST, từng bước hình thành và phát triển văn hóa khởi nghiệp, xây dựng hình ảnh “TP Đà Nẵng-điểm đến của khởi nghiệp ĐMST” hỗ trợ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các thành phần của hệ STKN ĐMST và hỗ trợ công tác ươm tạo các dự án khởi nghiệp ĐMST tại các vườn ươm, cơ sở ươm tạo trên địa bàn thành phố; tổ chức ngày hội khởi nghiệp ĐMST thường niên gắn với tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp ĐMST để lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng nhằm hỗ trợ, ươm tạo, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các nguồn quỹ, doanh nghiệp, các nhà đầu tư...
Bà Nguyễn Thị Phương Nhi, Giám đốc điều hành Vườn ươm doanh nghiệp TP Đà Nẵng đề xuất: “Đối với từng giai đoạn hình thành và phát triển của khởi nghiệp, thành phố cần ưu tiên những hoạt động hỗ trợ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tạo nền tảng hỗ trợ phát triển tối đa về khởi nghiệp; thành phố cần có chính sách cụ thể để Quỹ đầu tư phát triển thành phố có cơ chế góp vốn đầu tư vào khởi nghiệp, góp vốn để lập quỹ đầu tư về khởi nghiệp, xây dựng quỹ nguồn vốn để trực tiếp đầu tư và cho vay đối với các startup”.