Để Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao

Hiện nay các loại hình trung tâm logistics trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với quy mô đa dạng đang dần phát triển, nâng cấp theo hướng mở rộng về quy mô, hiện đại về trang thiết bị và công nghệ.

Mới đây, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông – Tây giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đó, đến năm 2030, phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư thích hợp nhằm hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng logistics, bảo đảm nguồn nhân lực và kỹ năng chuyên sâu bảo đảm vận hành tốt một hệ thống logistics năng động, làm trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó cảng biển Đà Nẵng và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, với các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Vậy hạ tầng logistics Đà Nẵng cần những chính sách gì để xây dựng hệ thống logistics hiện đại có cấu trúc rõ ràng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ logistics quốc tế. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng.

Phóng viên: Xin ông có thể chia sẻ về kết cấu hạ tầng giao thông, logistics thành phố Đà Nẵng hiện nay?

Ông Bùi Hồng Trung: Thành phố Đà Nẵng nằm ở trung điểm của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Có thể nói hạ tầng giao thông phát triển chính là động lực quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, góp phần đưa thành phố trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên (bao gồm vùng bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ).

Hầm Hải Vân hướng từ thành phố Đà Nẵng đi Huế. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Hầm Hải Vân hướng từ thành phố Đà Nẵng đi Huế. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của thành phố được tập trung đầu tư, đảm bảo hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại được kết nối hiệu quả. Đến nay, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn thành phố là 1.517,336 km, gồm: 37,965 km đường cao tốc; 120,989 km quốc lộ; 1.134,929 km đường đô thị; 68,713 km đường tỉnh; 110,744 km đường huyện, xã và 43,996 đường chuyên dùng.

Thành phố đã phối hợp xúc tiến triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông do Trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố để khắc phục sự chia cắt giữa Đà Nẵng với khu vực bắc Trung bộ như Hầm đường bộ Hải Vân, đường tránh Nam Hải Vân, nâng cấp Quốc lộ 1, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng có chiều dài tuyến khoảng gần 50km, kết nối Đà Nẵng với các tỉnh ở khu vực phía bắc miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Về tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua thành phố có chiều dài 40,1 km, với các ga Đà Nẵng, Thanh Khê, ga hàng hóa Kim Liên, Lệ Trạch. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang phối hợp với Bộ, ngành Trung ương xúc tiến triển khai dự án Di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố cũng như triển khai dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Vinh-Nha Trang (trên địa bàn các tỉnh/thành phố gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) tổng chiều dài khoảng 995,7km với tổng mức đầu tư hơn 1.189 tỷ đồng.

Còn đối với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng hiện đang là cảng hàng không lớn nhất khu vực miền Trung. Thành phố đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng Nhà ga hành khách quốc nội (nhà ga T1) vào cuối năm 2011 với công suất tiếp nhận 4-6 triệu hành khách/năm; triển khai Nâng cấp, mở rộng Nhà ga hành khách quốc tế (nhà ga T2) với công suất tiếp nhận 6 triệu hành khách/năm.

Hiện thành phố tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam triển khai dự án Đầu tư nâng cấp mở rộng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 100.000 tấn/năm và dự án Mở rộng nhà ga hành khách T1.

Cảng Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), năm 2018, dự án cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) đưa vào khai thác vận hành góp phần phát triển đồng bộ hệ thống logistics phục vụ cảng biển, tạo nền tảng trở thành cảng container hiện đại trong khu vực và có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEUs và tàu khách loại lớn, bảo đảm năng lực tiếp nhận hàng hóa qua cảng Tiên Sa lên 12 triệu tấn/năm.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Tiên Sa thuộc hệ thống cảng Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Tiên Sa thuộc hệ thống cảng Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN

Hiện nay, thành phố đang khẩn trương triển khai đầu tư dự án Cảng Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền trung (loại IA) để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong tương lai và giảm ách tắc giao thông trong khu vực nội đô.

Cảng Liên Chiểu sau khi hoàn thành sẽ là đầu mối giao thông hàng hải lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ, có vai trò quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và liên kết phát triển vùng của thành phố trong khu vực miền Trung.

Phóng viên: Vậy ông có đánh giá thế nào về hạ tầng hệ thống kho vận, logistics của thành phố Đà Nẵng?

Ông Bùi Hồng Trung: Tổng diện tích kho bãi logistics trên địa bàn thành phố hiện khoảng 30 ha, doanh nghiệp có hệ thống hạ tầng kho bãi lớn nhất trên địa bàn là Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng (hơn 240.000 m2), còn lại phần lớn hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân và liên doanh cung cấp dịch vụ logistics có quy mô nhỏ với tổng diện tích kho chứa khoảng 5,1 ha.

Hiện nay các loại hình trung tâm logistics trên địa bàn thành phố với quy mô đa dạng đang dần phát triển, nâng cấp theo hướng mở rộng về quy mô, hiện đại về trang thiết bị và công nghệ.

Tuy nhiên, chưa có các trung tâm logistics lớn có thể thực hiện đầy đủ các chức năng của một trung tâm logistics hoàn chỉnh, hầu hết chỉ đóng vai trò như một trung tâm phân phối và cung cấp các dịch vụ logistics cơ bản như dịch vụ kho bãi, làm thủ tục hải quan, làm hàng…phục vụ các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và phân phối hàng tiêu dùng cho khu vực đô thị.

Cảng Đà Nẵng và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng chưa thực sự trở thành nơi tập hợp nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics có khả năng cung cấp một cách toàn diện các loại dịch vụ logistics.

Phóng viên: Thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ có những giải pháp và chính sách nào để phát triển hạ tầng logistics?

Ông Bùi Hồng Trung: Thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với các địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung triển khai thưc hiện quy hoạch chi tiết làm cơ sở kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics theo Quy hoạch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Tiên Sa thuộc hệ thống cảng Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Tiên Sa thuộc hệ thống cảng Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN

Cùng với đó, sẽ phát triển tập trung Trung tâm logistics hàng hải tại khu vực phía Bắc Vịnh Đà Nẵng gắn với đầu tư phát triển khu Cảng Liên Chiểu, hình thành các trung tâm logistics dọc tuyến vành đai kinh tế phía Tây, phân khu công nghệ cao.

Đồng thời phát triển các Trung tâm logistics hàng không tại khu vực phía Tây Cảng không Quốc tế Đà Nẵng; trung tâm logistics đường sắt tại khu vực nút giao cắt của tuyến đường sắt quốc gia mới với đường bộ quốc gia và đường vành đai của thành phố; trung tâm logistics đường bộ phía Tây tuyến tránh Nam hầm Hải Vân và dọc Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hòa Châu, Hòa Phước.

Phát triển các trung tâm logistics khác gắn với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và kết nối thuận lợi với các đầu mối hạ tầng giao thông chính./.

Trung Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-da-nang-tro-thanh-trung-tam-logistics-co-tinh-hap-dan-cao/297853.html