Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
Qua kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với các cơ sở trong khu công nghiệp và cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy nổ cao trong khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh, các cơ sở lưu trú du lịch, vũ trường, karaoke và các cơ sở vui chơi giải trí đông người… trên địa bàn tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 3.620 cơ sở đã mở hồ sơ quản lý về PCCC; trong đó có 1.276 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Toàn tỉnh có 449 cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư; có khảng 1.500 cơ sở nhà ở kết hợp kinh doanh; trên 2.000 cơ sở lưu trú du lịch; và 300 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng còn có 2 khu công nghiệp: Khu công nghiệp Phú Hội (có 21 cơ sở đang hoạt động, 2 cơ sở ngưng hoạt động và 2 cơ sở đang xây dựng) và Khu công nghiệp Lộc Sơn (có 24 cơ sở đang hoạt động, 5 cơ sở ngưng hoạt động và 1 cơ sở đang xây dựng); có 11 khu chung cư (quy mô từ 5 - 8 tầng), 1 nhà cao tầng, 31 chợ và trung tâm thương mại.
* Còn nhiều tồn tại về phòng cháy, chữa cháy
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Tiến Hồng - Trưởng phòng PC07, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Qua kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với các cơ sở trong khu công nghiệp và cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy nổ cao trong khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp kinh doanh xung quanh chợ, các cơ sở lưu trú du lịch, vũ trường, karaoke và các cơ sở vui chơi giải trí đông người… trên địa bàn tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, vi phạm về PCCC.
Kết quả kiểm tra trách nhiệm PCCC của doanh nghiệp đối với Khu công nghiệp Phú Hội và Khu công nghiệp Lộc Sơn do Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phú Hội - Lộc Sơn khai thác, quản lý cho thấy: Công ty chưa thành lập đội PCCC chuyên trách, chưa xây dựng phương án chữa cháy chung toàn khu, chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện về nguồn nước, thiết bị, phương tiện phục vụ chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra tại khu công nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp, đa số đã quan tâm, chú trọng đến công tác PCCC tại cơ sở mình như: thiết kế, thẩm duyệt thiết kế hệ thống PCCC khi đầu tư xây dựng, thành lập đội PCCC cơ sở, trang bị phương tiện PCCC, lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC… Tuy nhiên, không ít cơ sở thực hiện chưa tốt các quy định của pháp luật về PCCC như: Công tác tự kiểm tra còn mang tính hình thức; chưa kiểm tra giám sát việc sử dụng điện của các bộ phận, phân xưởng sản xuất; chưa bảo dưỡng định kỳ hệ thống điện, các thiết bị điện, phương tiện PCCC và CNCH nên không kịp thời phát hiện và khắc phục tồn tại, thiếu sót…; thậm chí có đơn vị không thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC cho các hạng mục công trình được cải tạo, mở rộng hoặc thay đổi công năng sử dụng.
Đối với các cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy nổ cao trong khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh, các cơ sở lưu trú du lịch, vũ trường, karaoke và các cơ sở vui chơi giải trí đông người… cơ bản đã chấp hành quy định của pháp luật về công tác PCCC. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở còn bộc lộ một số tồn tại, thiếu sót như: Nội quy PCCC không được tổ chức phổ biến để mọi người trong cơ sở biết, chấp hành; nhiều cơ sở còn niêm yết nội quy, quy định về PCCC không đảm bảo đầy đủ nội dung về công tác PCCC so với tính chất hoạt động kinh doanh, sản xuất của cơ sở. Đội PCCC cơ sở biên chế không đầy đủ theo quy định, đội viên thay đổi thường xuyên; các dụng cụ, phương tiện PCCC không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ dẫn đến chất lượng không đảm bảo, đặc biệt có những phương tiện chữa cháy không còn sử dụng được…
Qua kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện 140 cơ sở thành lập đội PCCC không đảm bảo yêu cầu; 240 cơ sở vi phạm trong ban hành, niêm yết, phổ biến nội quy, quy định về PCCC; 109 cơ sở không niêm yết biển cấm, biển báo về PCCC; 138 cơ sở không bảo dưỡng phương tiện PCCC định kỳ; 34 cơ sở không kiểm tra đo đếm điện trở của hệ thống chống sét; 112 cơ sở vi phạm sử dụng điện; 278 cơ sở vi phạm về phương án chữa cháy, chế độ thực tập phương án chữa cháy; và 132 cơ sở vi phạm các quy định khác về PCCC. Ngoài ra, qua kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn phát hiện 156 tồn tại, thiếu sót về hồ sơ quản lý công tác PCCC tại các cơ sở.
* Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
Trước thực trạng còn nhiều tồn tại trong công tác PCCC, Trưởng phòng PC07 - Thượng tá Nguyễn Tiến Hồng cho rằng: Để nâng cao ý thức, hiệu quả, đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCCC và các văn bản quy phạm pháp luật khác về PCCC; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các quy định, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và những khuyến cáo về nguyên nhân, nguy cơ có thể gây nên cháy, nổ.
Mặt khác, chủ động kiểm tra, hướng dẫn các giải pháp và biện pháp về PCCC, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về PCCC. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng làm công tác PCCC và CNCH tại các doanh nghiệp. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm PCCC, xây dựng phương án chữa cháy cơ sở và tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại các cơ sở.
Đồng thời, công khai các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về PCCC tại các cơ sở trên phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền và cảnh báo các nguy cơ mất an toàn PCCC. Kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị, cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC theo quy định. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong PCCC gây hậu quả nghiêm trọng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự phải khởi tổ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức rà soát, điều tra cơ bản, lập hồ sơ quản lý, tổng kiểm tra về PCCC và CNCH địa bàn phụ trách đối với các cơ sở được phân cấp quản lý. Hướng dẫn, đôn đốc lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng, bảo vệ dân phố tăng cường công tác tuần tra canh gác nhất là thời điểm ban đêm, kịp thời phát hiện cháy, nổ, tai nạn sự cố và xử lý ngay từ ban đầu. Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm định phương tiện PCCC, thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với các dự án, công trình. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa công an các đơn vị, địa phương trong công tác PCCC và CNCH.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201910/de-dam-bao-an-toan-phong-chay-chua-chay-2967020/