Để đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, cần lưu ý những gì?

Để đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, cần lưu ý những gì khi sử dụng thiết bị điện trong sinh hoạt và sản xuất?

Để đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, cần lưu ý những gì khi sử dụng thiết bị điện trong sinh hoạt và sản xuất? Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gì trong việc bảo vệ trang thiết bị điện và an toàn trong sử dụng điện?

Những lưu ý khi sử dụng thiết bị điện để đảm bảo an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt?

Căn cứ theo Điều 58 Luật Điện Lực 2004 thì để đảm bảo an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, cần lưu ý:

- Tổng công suất sử dụng của các trang thiết bị điện dùng trong văn phòng, phục vụ sinh hoạt và dịch vụ phải phù hợp với công suất thiết kế; dây dẫn điện phải có tiết diện và độ bền cách điện phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Không để trang thiết bị điện phát nhiệt gần đồ vật dễ cháy, nổ.

- Các trang thiết bị điện phải được kiểm tra, bảo trì theo quy định, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn về điện và không gây nguy hiểm cho người sử dụng.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng điện có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống điện của mình, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện.

- Lưới điện hạ áp chỉ được xây dựng sau khi thiết kế đã được duyệt.

- Các nhánh đường dây dẫn điện vào nhà ở, công trình phải bảo đảm các điều kiện về an toàn điện, mỹ quan và không cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông, cứu thương, chữa cháy.

- Trong mạch điện ba pha bốn dây, áp-tô-mát, cầu dao, cầu chì và các thiết bị đóng cắt điện khác không được đấu vào dây trung tính.

- Trong mạch điện một pha hai dây, cầu chì và công tắc phải đấu vào dây pha, không được đấu vào dây trung tính. Khuyến khích lắp đặt áp-tô-mát, cầu dao hai cực để đóng cắt đồng thời cả hai dây.

Khi sử dụng thiết bị điện để đảm bảo an toàn trong sử dụng điện cho sản xuất cần lưu ý gì?

Căn cứ theo Điều 57 Luật Điện Lực 2004, điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Điện lực sửa đổi 2012 thì để đảm bảo an toàn trong sử dụng điện cho sản xuất, cần lưu ý như sau:

- Tổ chức, cá nhân sử dụng điện để sản xuất phải thực hiện các quy định về an toàn điện, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam.

- Các thiết bị, hệ thống thiết bị sử dụng điện, hệ thống chống sét, nối đất phải được kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ và kiểm tra bất thường theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện.

+ Sơ đồ của các hệ thống này phải đúng với thực tế và phải được lưu giữ cùng với các biên bản kiểm tra trong suốt quá trình hoạt động.

- Trạm điện, trang thiết bị điện cao áp và đường dây cao áp nội bộ phải được lắp đặt và quản lý vận hành theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện.

- Các thiết bị điện phải phù hợp với “Tiêu chuẩn Việt Nam - Thiết bị điện hạ áp - Yêu cầu chung về bảo vệ chống điện giật” và “Tiêu chuẩn Việt Nam - Quy phạm nối đất và nối không các thiết bị điện” để chống tai nạn điện giật.

- Các đường dẫn điện, dây điện phải được thiết kế, lắp đặt bảo đảm mặt bằng sản xuất thông thoáng, tránh được các tác động cơ học, hóa học có thể gây hư hỏng.

+ Không dùng các kết cấu kim loại của nhà xưởng, máy móc, đường ống kim loại để làm dây “trung tính làm việc”, trừ trường hợp đặc biệt phải có thiết kế riêng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Hệ thống điện tại các khu vực có chất dễ cháy, nổ phải được thiết kế, lắp đặt và sử dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 57 Luật Điện Lực 2004.

- Các thiết bị điện dùng trong khai thác khoáng sản, dụng cụ điện, thiết bị điện di động, máy hàn, điện phân, mạ điện phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn có liên quan.

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gì trong việc bảo vệ trang thiết bị điện và an toàn trong sử dụng điện?

Căn cứ theo Điều 48 Luật Điện Lực 2004 thì trách nhiệm trong việc bảo vệ trang thiết bị điện và an toàn trong sử dụng điện của tổ chức, cá nhân được quy định như sau:

- Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện.

- Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời với đơn vị điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện các hiện tượng mất an toàn điện, các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện.

Lê Nguyệt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-dam-bao-an-toan-trong-su-dung-dien-can-luu-y-nhung-gi-330350.html