Dễ dàng chuyển tiền đi nước ngoài gây khó khăn trong thu hồi tài sản

Tiếp tục thảo luận tại tọa đàm 'Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM', Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM Ngô Thuận Lăng thông tin, việc chuyển tiền đi nước ngoài hiện nay rất dễ dàng, không thể kiểm soát được, chỉ một cuộc điện thoại ở Việt Nam có thể chuyển đi khắp thế giới và thực hiện giao dịch, chuyển hóa thành các khoản đầu tư ở nước ngoài... Điều này dẫn đến khó khăn trong kê biên tài sản tham nhũng, tiêu cực.

Sáng 11-10, tại Hội trường Báo Sài Gòn Giải Phóng, Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM”.

 Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM Ngô Thuận Lăng thông tin tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM Ngô Thuận Lăng thông tin tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Ngô Minh Châu, Thành ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM; Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Thông tin tại tọa đàm, Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM nhấn mạnh, công tác thu hồi tài sản là mục tiêu, yêu cầu quan trọng để đánh giá hiệu quả của hoạt động điều tra đối với các vụ án nói chung và vụ án kinh tế tham nhũng nói riêng.

 Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ nhận thức đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã quán triệt sâu sắc đến toàn thể lực lượng công an thành phố về nhiệm vụ trọng tâm này. "Thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và TPHCM cũng như các cấp, Cơ quan điều tra Công an TPHCM đã tập trung với nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong hoạt động điều tra, nhất là điều tra đối với các tội phạm kinh tế, chức vụ và tội phạm tham nhũng", Thượng tá Ngô Thuận Lăng khẳng định.

Theo thống kê, giai đoạn 2021-2023, Cơ quan điều tra Công an TPHCM đã thụ lý giải quyết điều tra 208 vụ án/512 bị can, xử lý 419 vụ việc về kinh tế tham nhũng… với tổng số tài sản bị thất thoát chiếm đoạt lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra Công an TPHCM đã thu hồi 1.260 tỷ đồng (đạt 63,2%). Kết quả này khá cao, đạt được hiệu quả ban đầu.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng phát biểu tại tọa đàm. Thực hiện: TAM NGUYÊN - THỤY QUYÊN

Trước kết quả trên, Thượng tá Ngô Thuận Lăng chia sẻ, trong giai đoạn phát hiện, kê biên và thu hồi tài sản tại cơ quan điều tra Công an TPHCM gặp phải không ít khó khăn.

Về pháp lý, việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo và phong tỏa tài sản chỉ áp dụng với người bị buộc tội, tài sản tịch thu phải liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong đó việc kê biên và phong tỏa số tiền trong tài khoản phải tương ứng. “Việc này rất khó xác định bởi trong giai đoạn tiền tố tụng, kể cả trong giai đoạn điều tra, lên tin báo, tiến hành khởi tố vụ án đều khó xác định vì các dòng tiền đan xen nhau, đòi hỏi cơ quan điều tra phải rất thận trọng trong việc xác định”, Thượng tá Ngô Thuận Lăng dẫn chứng.

 Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Khắc Văn điều hành tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Khắc Văn điều hành tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong khi đó, theo quy định, trong quá trình khởi tố điều tra, khi bị can mất tích hoặc các đối tượng liên quan bỏ trốn và chưa xác định được thì phải đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, dẫn đến rất khó khăn trong xác định hậu quả thiệt hại để thu hồi tài sản.

Về thực tiễn, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia đang dần hoàn thiện với rất nhiều trường dữ liệu để phục vụ việc thu hồi tài sản. Tuy nhiên, trường dữ liệu kết nối đất đai, tài khoản ngân hàng… mới chỉ có số ít nên gây khó khăn trong việc xác định thu hồi tài sản.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng phát biểu tại tọa đàm. Thực hiện: TAM NGUYÊN - THỤY QUYÊN

Quá trình thực hiện hành vi tội phạm, các đối tượng chuẩn bị rất kỹ lượng. Họ và người thân vẫn chuộng sử dụng tiền mặt nên việc xác định tài sản để phân loại, bóc tách rất khó. Trong khi đó, việc chuyển tiền đi nước ngoài rất dễ dàng, không thể kiểm soát được, chỉ một cuộc điện thoại ở Việt Nam có thể chuyển đi khắp thế giới và thực hiện giao dịch, chuyển hóa thành các khoản đầu tư ở nước ngoài… Việc hỗ trợ và tương trợ tư pháp về các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng đề nghị cần xây dựng hành lang pháp lý tạo cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc phục vụ các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ được minh bạch, quyết liệt hơn. Trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị khi không thực hiện phải cung cấp và trao đổi thông tin, hỗ trợ cho cơ quan xác định các tài sản phạm tội, phục vụ cho công tác kê biên và thu hồi tài sản.

 Các đại biểu tham dự tọa đàm sáng 11-10 tại Báo Sài Gòn Giải Phóng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu tham dự tọa đàm sáng 11-10 tại Báo Sài Gòn Giải Phóng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thượng tá Ngô Thuận Lăng cũng thông tin thêm, hiện trên thế giới sử dụng 4 phương thức thu hồi tài sản là: dựa trên truy tố hình sự; dựa trên các bản án hình sự; thông qua các quyết định hành chính; thông qua khởi kiện dân sự. “Chúng ta có thể vận dụng và xem xét, nghiên cứu để sớm ban hành, xây dựng ban hành hoặc đăng ký tài sản để làm cơ sở pháp lý và minh bạch hơn trong hoạt động của các cơ quan tham gia tố tụng và tiền tố tụng và các cơ quan khác để phục vụ việc thu hồi tài sản đạt hiệu quả”, Thượng tá Ngô Thuận Lăng kiến nghị.

Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM nêu ý kiến về định giá tài sản tham nhũng. Thực hiện: TAM NGUYÊN - THỤY QUYÊN

THU HƯỜNG - THÀNH CHUNG - VĂN MINH - NGÔ BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-dang-chuyen-tien-di-nuoc-ngoai-gay-kho-khan-trong-thu-hoi-tai-san-post763121.html