Để dành sau tết, để dành tết sau…
'Mùng 4 tết tan', chậu vạn thọ vẫn rộ vàng ngoài góc sân, ngoài đường nhịp xe đã vọng lại những giai điệu tất bật, hối hả về phía chợ.
Má nhờ anh Hai hạ mâm ngũ quả và trầu cau trên bàn thờ gia tiên rồi lẩm nhẩm một mình: “Tết gì nhanh dữ, mới đó mà đã hết ba ngày”.
Khi những ngày tết khép lại, Ba Má thường nhắc nhở con cháu gom những vật dụng trang trí, khăn trải bàn, lọ hoa, bộ bình trà, khay đựng mứt… giặt rửa lại cho sạch sẽ rồi xếp vào góc tủ “để dành tết sau" đem ra bày biện, trang hoàng nhà cửa.
Nồi nấu bánh tét là “công cụ” được dọn dẹp đầu tiên bởi nó đã “hoàn thành nhiệm vụ” trước đêm giao thừa. Mỗi năm những mảng khói đen lại phủ dày thêm thành nồi, ghi nhận thâm niên cống hiến và "tuổi đời” phục vụ. Má thường nhẩm tính “tuổi đời” của cái nồi theo kiểu dân gian bằng tuổi đứa cháu ngoại của mình. Bọn trẻ nghe rồi thích thú đếm tuổi cho nhau “mấy mùa bánh tét”, “mấy mùa bánh chưng” nghe rôm rả cả nhà. Má phân công đứa cháu lớn nhất rửa lại nồi cho sạch sẽ cất vào góc nhà cùng cái kiềng sắt ba chân chờ năm sau đỏ lửa.
Những câu đối, dây liễn đỏ được ba tỉ mỉ gỡ xuống rồi nhẹ nhàng vuốt cho ngay ngắn xếp vào hộp giấy cất giữ. Ba vừa làm vừa trò chuyện với đàn cháu nhỏ về thói quen “để dành” như một nếp nhà từ thuở thiếu thời, là một bài học tiết kiệm, sử dụng lại những đồ dùng còn xài được mà ông bà thường dạy cho Ba lúc sinh thời và muốn con cháu làm theo. Bạn bè tôi đến thăm nhau ngày tết, nhìn các vật dụng trang trí được lưu giữ lâu năm cũng thầm khen ngợi cách Ba tôi thường làm.
Thói quen của Ba như là ví dụ dễ tìm để đưa vào bài học “tái sử dụng đồ dùng” cho đàn cháu nhỏ khi thầy cô yêu cầu liên hệ thực tế vào ngày trở lại trường học. Đàn cháu nội, ngoại thích thú reo lên khi nhận ra được điều này từ gợi ý của tôi. Mỗi năm tết đến Ba vẫn khuyến khích mua thêm vài đồ trang trí để làm mới không gian phòng khách. Vài thứ chọn theo kiểu “xu hướng” hay hình tượng các con giáp của năm cho các con ngắm nhìn vui mắt, cho ngôi nhà ba thế hệ chúng tôi có đủ sắc màu tết xưa, tết nay.
Có những thứ xưa cũ được ba gìn giữ cẩn thận, đó là bộ lư và cái lọ hoa làm từ vỏ đạn đồng. Ngày chuẩn bị rước ông bà đón tết, ba thường nhắc nhở chị em tôi lau chùi bụi bám rồi đánh bóng cho lại sáng. Các kỷ vật này được để ở bàn thờ gia tiên như chứng nhân của thời gian, ghi nhận biết bao đổi thay của đại gia đình tôi khi mỗi mùa xuân đi qua. Từ lúc chị em tôi còn nhỏ đến lúc lập gia đình, ai cũng được làm lễ và nhận lời chúc phúc từ đây. Từng cặp đôi rời xa mái ấm tạo dựng gia đình nhỏ cho riêng mình, người ở lại cùng Ba Má lo gìn giữ, vun đắp căn nhà để con cháu về hội ngộ mỗi khi giỗ chạp, lễ tết cận kề.
“Để dành tết sau” còn là những chậu mai, chậu kiểng trưng bày trong nhà ba ngày tết được dời ra góc sân. Theo Ba, các chậu mai, chậu kiểng khi dời ra sân phải đặt nơi bóng râm vài ngày cho cây quen với nhiệt độ môi trường rồi mới di chuyển dần ra nơi có nắng để cây không bị sốc. Rồi bón thêm phân, cắt tỉa bớt các nhánh, cây sẽ mau phục hồi và cho hoa đúng mùa sau. Nghe đơn giản là vậy mà Ba lại chăm sóc, tưới tắm suốt cả năm. Mỗi khi tháng chạp về, Ba lại luôn tay bận rộn với những thứ “để dành” cho cháu con có những ngày xuân rực rỡ: hoa mai vàng đầy hoài niệm với liễn đỏ trên cành hay góc tết xưa có câu đối đỏ và bộ bình trà dân dã,…
“Để dành sau tết” là những món ăn “dọn đồ thừa” Má gom lại mỗi thứ một ít. Đó là món xà bần gợi thương gợi nhớ mà nguyên liệu từ miếng thịt kho tàu, lát khổ qua, hay khúc lạp xưởng, vài lát chả,... Là khúc bánh tét, bánh chưng chiên lên giòn rụm ăn cùng dưa món gây nghiện cho cả nhà sau ba ngày “hết món này đến món kia”. Là dưa cải, kiệu chua má làm dư ra một ít bởi ngày thường không có nguyên liệu dồi dào như mùa tết. Lát mứt gừng cay nồng thơm thảo giúp bụng dạ an yên, sợi mứt dừa “nhà làm” ngọt lịm còn vương mùi lá dứa,…
Mỗi năm gia đình tôi đón tết và tiễn tết đều gắn liền với những nếp nhà đơn sơ như thế. Có những thứ dù “để dành” từ rất lâu vẫn được gìn giữ phẳng phiu, tươm tất. Lời dặn của Ba Má khi mỗi mùa tết đi qua đã hình thành trong đại gia đình tôi nếp sống giản dị, không lãng phí. Mỗi thứ “để dành” còn là những câu chuyện, một kỷ niệm hay những trải nghiệm cuộc đời được hai mái đầu bạc kể lại đầy niềm tự hào có khi pha chút hài hước, vui nhộn.
Mỗi mùa xuân hội ngộ chị em tôi đều chụp ảnh cùng Ba Má ghi nhận những khoảnh khắc đoàn viên, sum họp bên nhau. Cầm trên tay những món đồ đã nhuốm màu thời gian chờ đón đợi tết sau, nghe bên tai câu nói “để dành" lòng tôi bỗng chùng lại, một nỗi buồn chợt đến để rồi khóe mắt bỗng cay cay…
“Mỗi mùa xuân sang
Mẹ tôi già thêm một tuổi.
Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần”
( Lời bài hát Mừng Tuổi Mẹ)
Và Thầm mong sao “mỗi mùa xuân về Ba Má lại thêm tuổi mới”.
LƯƠNG BÍCH VÂN
P.Phước Long B, TP Thủ Đức
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-danh-sau-tet-de-danh-tet-sau-post728250.html