Để đạt mục tiêu đưa 1.400 lao động đi xuất khẩu mỗi năm

Những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích lao động đi xuất khẩu, nhờ đó công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, theo đánh giá số lượng lao động đi xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lao động của tỉnh. Đứng trước giai đoạn mới, XKLĐ vẫn được xác định là một trong những giải pháp nhằm tạo việc làm, phát triển kinh tế hiệu quả. Tỉnh ta đặt mục tiêu mỗi năm đưa khoảng 1.400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhưng để thực hiện được mục tiêu này thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Người lao động được tư vấn về XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Người lao động được tư vấn về XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Huyện Nho Quan là một trong những địa phương làm tốt công tác xuất khẩu lao động của tỉnh. Ông Quách Văn Vỹ, Trưởng phòng Lao động, TBXH huyện cho biết: XKLĐ đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện. Với việc đi XKLĐ, nhiều lao động có thu nhập tương đối cao, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, kinh tế ngày càng ổn định. Tuy nhiên, mặc dù số lượng lao động đi xuất có tăng, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng về nguồn lao động của địa phương.

Để đưa cơ hội đi xuất khẩu đến với nhiều lao động, nhất là lao động ở vùng xa, lao động có hoàn cảnh khó khăn…, huyện Nho Quan đã tạo mọi điều kiện để các đơn vị được cấp phép đến địa bàn khảo sát, tuyển dụng lao động đi xuất khẩu.

Địa phương cũng cũng chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành liên quan xây dựng chỉ tiêu kế hoạch về công tác lao động việc làm, trong đó có công tác XKLĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh 3 cấp, các hội nghị của các ngành, đoàn thể; cấp giấy giới thiệu cho các doanh nghiệp xuống trực tiếp các xã, thị trấn để tuyên truyền cho người dân, cung cấp thông tin về các thị trường XKLĐ có uy tín và thu nhập cao, các chính sách hỗ trợ đối tượng đi XKLĐ... Đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn và cấp xã tăng cường công tác theo dõi, quản lý, báo cáo tình hình XKLĐ trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Độ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long (huyện Nho Quan) cho biết: Để thực hiện được các chỉ tiêu về XKLĐ trong năm 2022 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm cung cấp thêm cho bà con những thông tin hữu ích về XKLĐ. Từ đó, giúp người lao động địa phương có cơ sở để lựa chọn những đơn vị có uy tín tham gia xuất khẩu, thay vì mạo hiểm đi qua kênh giới thiệu của người môi giới như trước đây.

Thực tế cho thấy, do trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề chưa cao nên chủ yếu lao động của xã Phú Long mới chỉ tham gia được vào thị trường lao động có mức thu nhập trung bình. Vì vậy, chúng tôi cũng tuyên truyền để người lao động địa phương tích cực học nghề, trang bị nhiều kỹ năng cần thiết để có thể tham gia vào thị trường lao động có thu nhập cao hơn.

Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 6.252 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Riêng năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà số lượng người đi xuất khẩu chỉ đạt 750 người.

Cũng có một nguyên nhân khách quan khác, đó là thời gian qua, tỉnh ta đã làm tốt công tác thu hút đầu tư, nhiều KCN, CCN được thành lập với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

Tính riêng năm 2021, toàn tỉnh có trên 19 nghìn lao động có việc làm mới, vượt mục tiêu đề ra. Dễ dàng tìm được việc làm ngay tại quê nhà khiến người lao động so sánh và đắn đo hơn khi lựa chọn con đường XKLĐ.

Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Sở Lao động, TB-XH đã đặt ra mục tiêu, mỗi năm đưa 1.400 người đi xuất khẩu. Để đạt chỉ tiêu này, then chốt vẫn là các giải pháp để tạo nguồn nhân lực đi xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, TB-XH khẳng định: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cung cấp các thông tin hữu ích về XKLĐ đến tận cơ sở, từ đó tạo điều kiện cho người lao động lựa chọn thị trường phù hợp. Cùng với đó, xác định công tác tạo nguồn lao động đi xuất khẩu trong các cơ sở đào tạo nghề sẽ là một trong những hướng đi mới, nhiều tiềm năng và phù hợp với thực tiễn. Bởi thực tế cho thấy, nhân lực trong các cơ sở đào tạo nghề dồi dào, có trình độ, kỹ năng tay nghề tốt, tiệm cận được với thị trường lao động quốc tế.

Các nhà trường chính là cầu nối, là kênh hỗ trợ thông tin tốt nhất, chính xác nhất cho các học viên về thị trường XKLĐ. Hướng đi này đang dần khẳng định được tính phù hợp và được học viên, phụ huynh quan tâm. Bởi vậy, thời gian tới, các cơ sở đào tạo nghề cần phát huy hiệu quả của hướng đi này, nhằm đưa cơ hội việc làm với mức lương tốt đến với nhiều học viên hơn nữa.

Sau khi được đào tạo nghề, khi được làm việc tại các thị trường lao động khắt khe sẽ là một "phép thử" quý giá cho các học viên, để các em có thêm cơ hội tích lũy kiến thức, kỹ năng, ý thức và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Khi đã hội tụ đầy đủ các kỹ năng này, các em có thể tự tin và thành công ở bất cứ thị trường lao động nào.

Đặc biệt, để công tác XKLĐ đạt được hiệu quả, thiết nghĩ các chính sách "hậu xuất khẩu" cũng cần được chú trọng. Thực tế cho thấy, sau khi hết thời hạn lao động ở nước ngoài, người lao động đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ, đặc biệt là tác phong làm việc rất chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay khi trở về nước, nhiều lao động vẫn khó khăn trong tìm việc làm đúng với chuyên môn và mức thu nhập xứng đáng. Các doanh nghiệp vẫn chưa có chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có tay nghề này.

Bởi vậy, thời gian tới, bên cạnh nỗ lực kết nối của các ngành chức năng, các doanh nghiệp cần có chính sách thu hút, ưu tiên đối với người trở về sau khi XKLĐ nhằm tránh lãng phí, thất thoát nguồn nhân lực này.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-dat-muc-tieu-dua-1-400-lao-dong-di-xuat-khau-moi-nam/d20220419074430658.htm