Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài chậm. Để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhận diện những rào cản…
Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, nếu như tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương mới đạt 13,96% dự toán, thì sau hai tháng có chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ các cấp, các ngành, tốc độ giải ngân đã đạt tỷ lệ 21,28% dự toán (tương đương 3.875 tỷ đồng); của các địa phương đạt tỷ lệ 22% dự toán vốn cấp phát được giao (tương đương 8.600 tỷ đồng). Đối với vốn vay lại của địa phương, tỷ lệ giải ngân là 26% kế hoạch cho vay lại (trị giá 6.895 tỷ đồng).
So với kế hoạch, kết quả giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài trên chậm là do công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, ảnh hưởng từ các lần giao kế hoạch vốn các năm trước bị chậm, không có khả năng giải ngân hết nên có tình trạng trả lại kế hoạch vốn.
Minh chứng là đến nay, đã có 9/12 bộ đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng số vốn là 4.587 tỷ đồng. Cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lại 1.808 tỷ đồng/3.638 tỷ đồng dự toán; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trả lại 1.135 tỷ đồng/2.230 tỷ đồng dự toán; Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lại 330 tỷ đồng/619 tỷ đồng; Bộ Y tế trả lại 500 tỷ đồng/1.100 tỷ đồng dự toán; Bộ Quốc phòng trả lại 500 tỷ đồng/1.253 tỷ đồng dự toán...
Đối với các địa phương, có 9/62 địa phương đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng số 4.480,2 tỷ đồng. Cụ thể: Hà Nội 1.546 tỷ đồng, Cần Thơ 1.106 tỷ đồng, Quảng Ninh 526 tỷ đồng, Bình Dương 342 tỷ đồng, Lào Cai 531,8 tỷ đồng, Đồng Nai 161 tỷ đồng, Long An 56,4 tỷ đồng, Cà Mau 102 tỷ đồng, Hà Giang 109 tỷ đồng.
Một nguyên nhân khác là do vướng mắc trong chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong triển khai công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu do khác biệt giữa hợp đồng FIDIC (mẫu Hợp đồng do Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn phát hành).
Điển hình cho việc chậm triển khai dự án do chậm đấu thầu có thể thấy ở một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2020 lớn như: Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Bắc Giang (kế hoạch vốn năm 2020 cấp phát là 169 tỷ đồng); Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Quy Nhơn (kế hoạch vốn năm 2020 cấp phát là 155 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, vấn đề chậm làm các thủ tục thanh toán dự án cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình hình giải ngân vốn đầu tư công bị chậm. Điển hình cho tình trạng này là Trường hợp của Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - tiểu dự án TP. Thái Nguyên; Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - tiểu dự án TP. Yên Bái…
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, việc giải ngân song song kế hoạch vốn năm 2019 và kế hoạch vốn năm 2020 cũng là một trong những nguyên nhân gây cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thực tế triển khai cho thấy, kế hoạch vốn năm 2019 được giao làm nhiều lần, do đó trong năm 2019 mới chỉ giải ngân được 32,5% kế hoạch vốn nước ngoài phần ghi thu, ghi chi. Năm 2020, bên cạnh việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch, trong 8 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành, địa phương còn tập trung giải ngân tiếp dự toán năm 2019 được kéo dài, chuyển nguồn...
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài
Theo ông Trương Hùng Long, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài, Bộ Tài chính kiến nghị một số giải pháp sau:
Thứ nhất, rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án theo các trường hợp sau: Không giải ngân hết 100% kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương xác định rõ tỷ lệ giải ngân dự kiến đạt được và lý do không đạt được tỷ lệ giải ngân 100% theo kế hoạch vốn năm 2020; Không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đề ra, phải cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đã được giao…
Thứ hai, đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, các bộ, ngành, địa phương cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối chung trong cả giai đoạn 2016-2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương, Ban Quản lý dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.
Thứ tư, đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành, địa phương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư, trên cơ sở phê duyệt/quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký.
Thứ năm, về tài chính, đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo chế độ quy định, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định; phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trong việc giải ngân. Đối với khoản tiền đã rút về tài khoản đặc biệt, yêu cầu các Ban Quản lý dự án sớm hoàn thiện chứng từ theo chế độ quy định...