Để 'diện mạo' đối ngoại Việt Nam xứng với 'tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín'
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phấn đấu làm sao cho 'diện mạo' đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được cải thiện, xứng với 'tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế'.
Chiều 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp và làm việc với Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu.
Tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại một số địa bàn đã báo cáo Chủ tịch Quốc hội về tình hình công tác của cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại, quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Các Đại sứ cũng nêu về những kết quả nổi bật trong các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới các quốc gia thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước, làm sâu sắc lĩnh vực hợp tác truyền thống, tạo tiền đề, mở ra lĩnh vực hợp tác mới.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định công tác đối ngoại thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, trở thành một điểm sáng nổi bật trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội Nghị Ngoại giao lần thứ 32. Các hoạt động đối ngoại “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua”.
Đặc biệt trong tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng công tác đối ngoại đã đạt nhiều thành tựu cả về song phương, đa phương, khôn khéo trong cân bằng chiến lược, giữ vững vững môi trường hòa bình cho phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng. Chủ tịch Quốc hội chúc mừng và biểu dương những kết quả tích cực của công tác đối ngoại đi cùng với nâng tầm quan hệ đối ngoại đi cùng với nâng tầm quan hê đối ngoại nghị viện với các nước.
Hòa chung trong thành tựu đối ngoại cả nước, hoạt động đối ngoại của Quốc hội thời gian qua không chỉ diễn ra sôi động mà còn được nâng lên về chất, phát huy mạnh mẽ nét đặc trưng - vừa mang tính đối ngoại Nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nhất là của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội, đã đưa ngoại giao nghị viện trở thành một kênh chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu và là nguồn sức mạnh thúc đẩy hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia...
Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao cần tiếp tục thúc đẩy xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch khẳng định Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, dành ưu tiên cao nhất cho ngành ngoại giao khi xem xét, quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền, phấn đấu làm sao cho “diện mạo” đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được cải thiện, xứng với “tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế” chưa từng có của đất nước ta, như nhận định của Đại hội 13.
Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia về công tác đối ngoại, chủ động phê chuẩn việc gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm đúng đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước; giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập nhanh và hiệu quả hơn của đất nước.
Trao đổi đoàn, đặc biệt là các đoàn cấp cao, các đoàn kênh Đảng, kênh Quốc hội với nhiều đối tác diễn ra tần suất cao nhằm tìm hiểu kinh nghiệm về công tác giám sát của Quốc hội, xây dựng pháp luật.
Việt Nam đã chủ động đăng cai tổ chức nhiều sự kiện đa phương lớn, trong đó có Hội nghị AIPA Caucus lần thứ 14, hoạt động nhân kỷ niệm 45 năm thành lập AIPA, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, cũng như các khuôn khổ khác như APPF, IPU, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, tích cực đề xuất nhiều sáng kiến về thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và nguồn nước.
Việc triển khai đồng bộ, sôi động và hiệu quả công tác đối ngoại trên các kênh, trong đó đối ngoại Quốc hội đã có đóng góp toàn diện, hiệu quả vào công tác đối ngoại Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả thực chất. Thông qua các hoạt động đối ngoại đã ghi dấu ấn và được dư luận quốc tế đánh giá cao.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện, đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong suốt thời gian qua, đóng góp rất tích cực vào thành tích công tác đối ngoại của Quốc hội.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện phải là “cánh chim đầu đàn” đoàn kết cùng tập thể cơ quan, đơn vị, giữ “vững nguyên tắc” đối ngoại của Đảng, Nhà nước, luôn nắm “chắc chuyên môn” để sáng tạo, linh hoạt trong hành động, đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết, trước hết.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện đẩy mạnh công tác nắm bắt thông tin, tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong điều chỉnh chính sách. Đồng thời, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các kiến nghị về chuẩn hóa về trụ sở đến biên chế trang thiết bị của cơ quan đại diện việt nam ở nước ngoài; tiêu chuẩn chính sách chế độ đối với cán bộ ngành ngoại giao.