Để điện mặt trời phát triển bền vững

Cần tạo khung pháp lý minh bạch và ổn định cho năng lượng tái tạo phát triển, bao gồm quy hoạch và mục tiêu ổn định, hệ thống phê duyệt dự án minh bạch và điều phối hợp lý (một đầu mối chung) và hợp đồng mua bán điện đạt tiêu chuẩn quốc tế...

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nếu giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân 12,3%/năm, thì giai đoạn từ năm 2016 đến nay tăng 10,2%/năm. Thực tế, tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến quý III/2019 của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho thấy, trong các năm 2019 – 2020, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng điều quan trọng là gần như không có dự phòng nguồn điện nên từ năm 2020 trở đi, chúng ta có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện do lưu lượng nước về các hồ thủy điện ít, nhiên liệu than, khí cho phát nhiệt điện phải nhập khẩu… Trong khi 62 dự án điện với công suất lớn trên 200 MW thì có đến 47 dự án chậm tiến độ hoặc… “chưa xác định được tiến độ” theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong năm 2019, EVN đã hoàn thành dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng sớm 3 tháng so kế hoạch, dự kiến tiếp tục hòa lưới phát điện dự án nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ các dự án điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) đang xây dựng để tăng năng lực phát điện trong năm 2020 thêm 1.620 MW; đồng thời tiếp tục ưu tiên phát triển thêm các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời 1.700 MW, điện gió 550 MW.

Thông qua nhiều chính sách và cơ chế, các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, khí) được khuyến khích phát triển, đóng góp đáng kể vào việc bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2019 đã có trên 4.000MW điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia, tập trung tại khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận.

Nhằm thúc đẩy các dự án nhà máy điện mặt phát triển mạnh trong thời gian tới, với nỗ lực đa dạng hóa các kênh huy động tài chính, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư rất lớn cho các dự án nguồn điện trong những năm tới, một thỏa ước tín dụng cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 trị giá 24,2 triệu EUR vừa được ký kết giữa EVN và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Đây là khoản tín dụng vay không bảo lãnh của Chính phủ cho Dự án điện mặt trời Sê San 4, được xây dựng trong phần đất thuộc Nhà máy thủy điện Sê San 4 tại tỉnh Gia Lai, trong đó AFD tài trợ toàn bộ giá trị hợp đồng EPC của dự án. Đây là dự án thuộc nhóm B, do EVN là chủ đầu tư xây dựng và vận hành, khi khánh thành sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất khu vực Tây Nguyên, đưa Việt Nam tiến tới một tương lai năng lượng sạch hơn, xanh hơn và bền vững hơn.

Điện gió, điện mặt trời là một phần hệ thống năng lượng tương lai, chiếm tới 10% trong tổng nguồn điện vào năm 2030 và trên 20% vào năm 2050.

Để giải quyết hiệu quả bài toán trên, cần tạo khung pháp lý minh bạch và ổn định cho năng lượng tái tạo phát triển, bao gồm quy hoạch và mục tiêu ổn định, hệ thống phê duyệt dự án minh bạch và điều phối hợp lý (một đầu mối chung) và hợp đồng mua bán điện đạt tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả nghiên cứu từ Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 cho hay, có thể đạt được tỷ lệ 40% năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030, và nếu kết hợp với tiết kiệm năng lượng thì sẽ không làm gia tăng chi phí hệ thống.

Thành Trung

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/de-dien-mat-troi-phat-trien-ben-vung-94820.html