Để doanh nghiệp hấp thụ được vốn tín dụng
Tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường biến động, đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của các DN.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm của ngành Ngân hàng ở mức thấp mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và ngành Ngân hàng trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân.
Vướng mắc trong tiếp cận vốn vay
Một số ý kiến phản ánh về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng. Trong đó, hiện nay hầu hết DN vay ngân hàng theo hình thức thế chấp với tài sản đảm bảo bao gồm các bất động sản. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, các tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá lại tài sản đảm bảo (phần lớn là các bất động sản) của DN, dẫn đến tình trạng giá trị tài sản đảm bảo giảm kéo theo hạn mức cấp tín dụng cho DN giảm theo; có trường hợp giá trị bất động sản giảm do đất bị quy hoạch trong khi đang vay trung, dài hạn tại ngân hàng.
Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai tiếp tục ghi nhận ý kiến từ phía DN về việc khó tiếp cận chính sách hỗ trợ này do việc xác định “có khả năng phục hồi” từ phía DN và cả phía ngân hàng thương mại không có tiêu chuẩn cụ thể, khó xác định; vướng, mắc trong việc bóc, tách các chi phí, doanh thu để xác định ngành, nghề phù hợp được hỗ trợ lãi suất.
Nhiều ý kiến đề nghị NHNN xem xét nâng tỷ lệ cho vay trung, dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn của các tổ chức và định hướng ưu tiên cho cấp tín dụng trung, dài hạn để DN có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công bày tỏ, trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều DN, cơ sở chăn nuôi mong muốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó có nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư cải tiến công nghệ, đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường trong bối cảnh cần đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi.
Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, có trường hợp DN phản ánh muốn tăng giá trị vay để mở rộng sản xuất kinh doanh trên nguồn tài sản đảm bảo, tuy nhiên gặp khó khăn do vướng quy định về hạn mức cho vay tối đa theo đối tượng khách hàng của tổ chức tín dụng. Một số đơn vị yêu cầu khách hàng để tăng hạn mức vay phải chứng minh có doanh số tăng, điều này rất khó khả thi trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng, đơn hàng, xuất khẩu sụt giảm như hiện nay.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, ngành Ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng... Trong đó, tiếp tục tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là thế mạnh, tiềm năng, động lực phát triển kinh tế...
Phó giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo cho biết, về việc tiếp cận vốn tín dụng còn phụ thuộc vào định giá và hạn mức cho vay trên tài sản đảm bảo. Theo quy định tổ chức tín dụng được quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật, của NHNN Việt Nam; việc cấp tín dụng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.
Tuy nhiên, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đề nghị các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục xem xét vấn đề tài sản đảm bảo, tăng cường trao đổi để DN có thể trình bày, thuyết minh kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, phát triển phân khúc cho vay tín chấp, cho vay trên mức độ tín nhiệm, hợp đồng xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, tích cực rà soát, xem xét cắt giảm các loại phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, người dân; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.
Liên quan đến ý kiến tăng tỷ lệ cho vay trung, dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn, việc giới hạn tỷ lệ cho vay trung, dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn là cần thiết, đảm bảo thanh khoản cho tổ chức tín dụng và quyền lợi của người gửi tiền. Đồng thời, việc tổ chức tín dụng quyết định cho vay với thời hạn ngắn hay dài không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn của chính tổ chức tín dụng mà còn được xem xét bởi yếu tố nhu cầu, dòng tiền của dự án/phương án sản xuất kinh doanh của DN, khách hàng.
Vào tháng 10-2023, UBND tỉnh tổ chức hội nghị Kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Đức Toàn chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, công cụ tiền tệ hỗ trợ mạnh nhất đối với cộng đồng DN đó là ổn định mức lãi suất cho vay thấp, hợp lý, tạo điều kiện để DN được vay vốn phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh thông qua các gói tín dụng hỗ trợ xuất nhập khẩu, tài trợ ứng dụng công nghệ cao, lĩnh vực xanh, nông nghiệp - nông thôn và hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Chi nhánh sẵn sàng tư vấn dòng tiền, tư vấn tài chính, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi theo quy định để DN hoạt động động tốt, hiệu quả hơn.
Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Đồng Nai Lê Hải Triều cho biết, hiện nay dư nợ cho vay đối với các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất của chí nhánh đạt khoảng 500 tỷ đồng tập trung vào các lĩnh vực thương mại, chế biến lâm sản, thủy sản, vật liệu xây dựng, nông nghiệp… Trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn về điều kiện vay vốn của DN theo quy định…
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG:
Đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Hội nghị kết nối ngân hàng - DN nhằm tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của DN trên địa bàn để trao đổi, thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với DN, HTX, từ đó nắm bắt nhu cầu thực tế cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời hỗ trợ.
UBND tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chủ động triển khai các giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm theo định hướng của NHNN Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát nợ xấu. Đồng thời, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới, hỗ trợ và đồng hành với DN, người dân vượt qua khó khăn; hỗ trợ DN vay vốn để đổi mới công nghệ trong sản xuất…
Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai PHẠM QUỐC BẢO:
Tăng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là thế mạnh, tiềm năng, động lực phát triển kinh tế (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu)... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, trong đó tập trung cho chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng sẽ đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng - DN bằng nhiều hình thức và thông qua các hội, hiệp hội DN, ngành, nghề của tỉnh; chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng…
Hoàng Hải (ghi)