Để doanh nghiệp không chìm trong làn sóng công nghệ tiếp thị

Hàng loạt công nghệ tiếp thị mới ra đời nhờ sự phát triển của các nền tảng công nghệ, mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, nâng cao doanh thu.

Công nghệ tiếp thị nở rộ

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong thời gian qua đã kéo theo sự chuyển dịch của hoạt động tiếp thị (marketing), không chỉ dừng lại ở các phương thức truyền thống như sử dụng quảng cáo trên báo, đài, quảng cáo ngoài trời, phát tờ rơi mà còn có các phương thức trên các nền tảng số.

Điều này giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao hiệu quả của chiến dịch marketing.

Trong quá trình chuyển dịch đó, công nghệ tiếp thị (martech) – tập hợp các giải pháp, nền tảng công nghệ phục vụ quá trình xây dựng chiến lược marketing, quảng bá sản phẩm/ thương hiệu đến với khách hàng mục tiêu – chính là cầu nối.

Lĩnh vực này cũng đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ nhờ sự ra đời của các ứng dụng công nghệ mới.

Chi tiêu cho thị trường martech toàn cầu được dự báo sẽ đạt 148 tỷ USD trong năm nay. Mức tăng trưởng dự kiến cán mốc hơn 13% mỗi năm trong giai đoạn 2023 – 2027, theo nhận định từ công ty nghiên cứu thị trường Forrester. Con số này cao hơn nhiều lần tăng trưởng GDP toàn cầu trung bình được dự báo trong cùng giai đoạn.

Số lượng công ty công nghệ về martech thậm chí còn tăng tới hơn 9.000% so với năm 2011, theo báo cáo MarTech Landscape 2024.

Tại Việt Nam, công nghệ tiếp thị đang tạo ra cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Trong đó, dẫn đầu là các ngành như thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, bán lẻ, du lịch và giáo dục trực tuyến, ông Huỳnh Lê Tấn Tài, CEO Kyanon Digital – công ty tư vấn và triển khai các giải pháp số, cho biết trong trao đổi với TheLEADER.

Đồng quan điểm, ông Mohamed Shakeer Anver, Quản lý cấp cao của SAS Institute, đánh giá, thị trường martech tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thúc đẩy chi tiêu cho các hoạt động marketing và công nghệ.

Cùng với đó, sự phổ biến của Internet giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn với số lượng lớn hơn.

Sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử cũng góp phần đẩy nhanh nhu cầu đối với các công cụ và dịch vụ có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa việc kinh doanh trực tuyến.

Điều quan trọng nữa đối với martech là sự hỗ trợ tích cực từ phía chính phủ khi có những chính sách ưu tiên, thúc đẩy ngành công nghệ tại Việt Nam phát triển, ông Mohamed Shakeer Anver trao đổi với báo chí bên lề sự kiện Vietnam Martech Day 2024.

Ông Mohamed Shakeer Anver, Quản lý cấp cao của SAS Institute

Ông Mohamed Shakeer Anver, Quản lý cấp cao của SAS Institute

So với các quốc gia trong khu vực, thị trường martech Việt Nam phát triển khá tốt với nhiều tiềm năng trong thời gian tới, đến từ dân số trẻ và đông cùng quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy.

“Khi Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa, áp dụng nhiều công nghệ, chúng ta có thể thấy sự tăng trưởng và đổi mới hơn nữa trên thị trường martech”, ông Mohamed Shakeer Anver kỳ vọng.

Cửa nào cho doanh nghiệp Việt?

Dù mở ra các cơ hội mới, ứng dụng và triển khai martech vẫn tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp, ông Tài nhận định.

Trong đó, thách thức lớn nhất là chất lượng dữ liệu thấp và sự phân mảnh của hệ thống phần mềm. Điều này dẫn đến việc tổ chức, tích hợp, khai phá thông tin giá trị từ dữ liệu để tối ưu trải nghiệm của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh bị hạn chế.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đối mặt với thách thức về nguồn nhân lực.

“Thiếu hụt chuyên gia có kiến thức sâu rộng về công nghệ tiếp thị và phân tích dữ liệu đang là rào cản lớn”, ông Tài cho biết.

Ngoài những vấn đề trên, doanh nghiệp còn cần phải lưu ý tới một số xu hướng mới, tránh lãng phí nguồn lực trong triển khai chiến lược martech.

Theo ông Mohamed Shakeer Anver, những xu hướng này bao gồm người tiêu dùng ngày càng sử dụng nhiều phương tiện truyền thông xã hội và ứng dụng trò chuyện, nhu cầu cá nhân hóa ngày càng tăng.

Cùng với đó, việc phân tích dữ liệu cần được quan tâm và đòi hỏi đầu tư vào các công cụ phân tích.

Trong bối cảnh đó, đầu tư vào quản trị dữ liệu, thu thập dữ liệu và chất lượng dữ liệu cần được chú tâm.

Các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu mạnh mẽ để đảm bảo tính chính xác, nhất quán và bảo mật, đại diện SAS Institute khuyến nghị.

Ưu tiên trải nghiệm khách hàng là điều không thể thiếu trong chiến lược martech

Ông Mohamed Shakeer Anver, Quản lý cấp cao của SAS Institute

Đồng thời, cần áp dụng các phương pháp thu thập dữ liệu hiệu quả nhằm khai thác thông tin quan trọng về khách hàng, bao gồm tập hợp các xu hướng trong hành vi, dữ liệu và phản hồi của người tiêu dùng, và ưu tiên chất lượng dữ liệu để các phân tích và quyết định kinh doanh đạt được tính tin cậy cao.

“Ưu tiên trải nghiệm khách hàng là điều không thể thiếu trong chiến lược martech”, ông Mohamed Shakeer Anver nhấn mạnh.

Để làm được điều này, doanh nghiệp cần thu thập phản hồi thường xuyên, từ đó cải thiện các nỗ lực marketing và đưa ra trải nghiệm liền mạch trên mọi kênh tiếp cận.

Tận dụng các công cụ dựa trên AI cho các hoạt động như dự đoán xu hướng và marketing hóa cũng như các tác vụ lặp đi lặp lại sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất và tiết kiệm nguồn lực.

Sau đó, doanh nghiệp cũng cần đo lường thông qua các chỉ số hiệu suất chính (KPI) để theo dõi thành công các chiến lược, từ đó không ngừng điều chỉnh dựa trên những hiểu biết từ dữ liệu để đạt được hiệu suất cao hơn.

Ngoài ra, các yếu tố đạo đức cần được cân nhắc khi ứng dụng martech, lãnh đạo của SAS Institute lưu ý và nhấn mạnh.

Những quy tắc đạo đức sẽ bao gồm tính riêng tư của dữ liệu, tính minh bạch và giảm thiểu thiên kiến. Doanh nghiệp cần tuân thủ quy định về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu của khách hàng, cùng với đó là sự minh bạch về cách dữ liệu được quản lý, đồng thời giảm thiểu các thiên kiến có thể xuất hiện trong các thuật toán AI.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/de-doanh-nghiep-khong-chim-trong-lan-song-cong-nghe-tiep-thi-d37765.html