Để doanh nghiệp không còn chậm lớn, ngại lớn

'Để đảm bảo lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế 'xin-cho' và hành chính' - PGS-TS Trần Đình Thiên.

Ngày 19-9, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam (VN) 2023 khai mạc. Đây là một hoạt động mà Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ khẳng định là nơi quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết của các đại biểu QH, nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học... đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia.

Không phải doanh nghiệp không muốn trưởng thành

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng có những nghịch lý không chỉ diễn ra trên bình diện nền kinh tế mà còn diễn ra trong cả nội tại của doanh nghiệp (DN) VN. Không chỉ trong đại dịch COVID-19, mà ngay cả trong tình trạng bình thường. Ông Thiên diễn giải: “Khả năng sống còn của DN VN là vô địch. Lãi suất cao, thời gian dự án dài, bôi trơn cao… mà vẫn trụ được”.

Theo ông Thiên, nghị quyết của Đảng nói khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhưng DN cứ suy yếu thì đó là một vấn đề lớn. Ông cho rằng câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực chống chịu và trụ hạng hiếm có như vậy mà đa số DN Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé, chậm lớn, khó lớn, ngại lớn?

“Nếu đo sự phát triển DN theo logic chạy tiếp sức sẽ thấy vấn đề tuổi thọ của DN Việt là đáng lo ngại. Bởi theo thống kê chính thức, hằng năm số DN rút khỏi thị trường xấp xỉ 70%-75% số đăng ký thành lập. Đây là một tỉ lệ không bình thường. Nó hàm ý số DN Việt sống thọ không nhiều. Một bộ phận lớn DN chưa kịp lớn đã ra đi” - PGS-TS Trần Đình Thiên nói.

 Doanh nghiệp đang nêu ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023. Ảnh: CL - MT

Doanh nghiệp đang nêu ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023. Ảnh: CL - MT

Đáp lại ý kiến này, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho rằng bà rất trăn trở trước ý kiến cho rằng DN Việt giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Theo bà Tiên, không phải DN muốn chậm lớn.

“Ngoài những DN dùng thuốc tăng trọng lớn nhanh, hay các DN “chết yểu”, vẫn còn nhiều DN chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững” - đại diện IPPG nhấn mạnh.

Đại diện IPPG bày tỏ mong muốn các cơ quan của QH, Chính phủ cùng các chuyên gia, DN có sự hợp tác chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh đổ thừa cho cơ chế, để DN có thể thúc đẩy phát triển, đổi mới.

Tiền của VN thì dành cho DN VN để có nội lực

Các ý kiến tham luận tại diễn đàn hầu hết đều nêu những vấn đề đã được chỉ ra trong thời gian qua, từ việc khó tiếp cận vốn đến các rào cản thủ tục hành chính hay các quy định chồng chéo của pháp luật. Tất nhiên, trong thời gian ngắn thì các ý kiến và tham luận không thể trình bày hết được.

Tuy nhiên, có một số ý kiến với các đề xuất rất cụ thể. Chẳng hạn, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng cần thử nghiệm đặt hàng các tập đoàn kinh tế VN xây dựng đường sắt hiện đại, mà đoạn đầu tiên là nối TP.HCM với sân bay Long Thành. “Tiền của VN thì nên dành cho các công ty VN vì họ có thể làm được đường sắt. Có như thế thì họ mới có nội lực”.

Tiếp ý này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI), nói: “Thiếu hụt điện ở phía Bắc hồi tháng 5, tháng 6-2023 là một xu hướng đáng lo ngại. Nhiều công ty thiệt hại rất lớn và có thể ảnh hưởng tới triển vọng, tâm lý của các nhà đầu tư”.

PGS-TS Trần Đình Thiên kiến nghị: “Cần chuyển ngay giá điện sang giá thị trường. Trước đây chúng ta chuyển giá lương thực sang thị trường là thị trường sống động ngay. Chuyển giá điện sang giá thị trường là sẽ giải phóng ngay nhiều nguồn lực của DN để phát triển”.

Tiếp cận vốn thế nào?

Một vấn đề mà lãnh đạo diễn đàn cũng như nhiều đại biểu phản ánh là tiếp cận vốn. Ông Đậu Anh Tuấn nói trong các khảo sát gần đây của VCCI, hàng trăm ngàn lượt DN được hỏi đều khẳng định khó khăn lớn nhất hiện nay là tiếp cận vốn.

Giải đáp vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết cơ quan này đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành bốn lần. Ông khẳng định việc giảm lãi suất này đã tạo thanh khoản trên thị trường và cơ quan này thông qua các công cụ của mình để tạo ra vốn rẻ cho nền kinh tế.

Về tiếp cận tín dụng, ông Tú cho hay từ đầu năm 2023, cơ quan này đã triển khai nhiều giải pháp, có chính sách giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, cắt bỏ các chi phí, rào cản, phí… tiếp cận. Nhiều gói chính sách đã được triển khai như gói 120.000 tỉ đồng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, gói 15.000 tỉ đồng dành cho lâm sản, thủy sản.

Kinh tế Việt Nam khát vốn nhưng khó hấp thụ

PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng có những vấn đề lớn đặt ra. Đó là nghịch lý nền kinh tế khát vốn nhưng lại khó hấp thụ vốn. Tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành động lực phát triển, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, tổn thương.

Dẫn chứng, ông Thiên cho biết về đầu tư công, hết tháng 8-2023, giải ngân mới đạt 39,6% kế hoạch. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%. Đáng lo ngại, hiếm nơi nào trên thế giới mà các DN phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở VN, thường là gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường khác trên thế giới.

CHÂN LUẬN - MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-doanh-nghiep-khong-con-cham-lon-ngai-lon-post752230.html