Để doanh nghiệp nhà nước xứng với kỳ vọng

Doanh nghiệp nhà nước có vai trò 'làm những việc khó', là nòng cốt để dẫn dắt, lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Trên thực tế, thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước có nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế và xã hội, song chưa như kỳ vọng do gặp phải rào cản về cơ chế, năng lực quản trị… Vì vậy, vấn đề đặt ra là nhận diện thực trạng, khắc phục tồn tại để khối doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả, xứng với sứ mệnh của mình.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khẳng định vai trò bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đồng thời định hình rõ phương án hoạt động, phát triển trong Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Trong ảnh: Công nhân Công ty Truyền tải điện 2 kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp 500kV Bắc - Nam.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khẳng định vai trò bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đồng thời định hình rõ phương án hoạt động, phát triển trong Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Trong ảnh: Công nhân Công ty Truyền tải điện 2 kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp 500kV Bắc - Nam.

Bức tranh nhiều gam màu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối; trong đó, có 94 doanh nghiệp quy mô lớn. Chỉ tính số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, dù chiếm khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động nhưng lại nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản, 10% vốn chủ sở hữu, 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh, 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động. Quy mô tài sản bình quân của một doanh nghiệp nhà nước là 4.100 tỷ đồng, gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp dân doanh.

Tương tự, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước khá lớn, khoảng 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 14 lần doanh nghiệp dân doanh. Thực tế đã chứng minh tầm quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong những lĩnh vực mang tính chiến lược như năng lượng, vận tải, khai khoáng, viễn thông…, hay trong bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kết quả hoạt động và đóng góp của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực đang nắm giữ. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế.

So sánh giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận xét, có thể dễ dàng thấy một số công trình, dự án quy mô như Vành đai 2 trên cao ở Hà Nội hay sân bay Vân Đồn ở Quảng Ninh đều do tư nhân đảm nhận, được hoàn thành rất nhanh với chất lượng cao. Ngược lại, không ít dự án do doanh nghiệp nhà nước thi công lại chậm tiến độ hoặc bị đội vốn. Giai đoạn 2016-2020 cũng có rất ít dự án lớn của doanh nghiệp nhà nước. Nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan, song nổi lên là một số cơ chế, chính sách quản lý đã cũ, không phù hợp yêu cầu phát triển. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp có tâm lý sợ mất quyền lợi và lẩn tránh trách nhiệm, dẫn đến doanh nghiệp trì trệ. Nếu ở cùng một tình huống thì doanh nghiệp dân doanh thường ra quyết định nhanh hơn bởi đó là quyền và vốn của họ, nhưng doanh nghiệp nhà nước phải mất nhiều thời gian để báo cáo nên có thể mất cơ hội.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, thực tế trên đã cản trở sự tiến bộ của doanh nghiệp nhà nước. Đến nay, Việt Nam vẫn thiếu những doanh nghiệp nhà nước đủ mạnh, đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển theo.

Khai thác than tại Công ty Than Hạ Long (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam).

Khai thác than tại Công ty Than Hạ Long (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam).

Gỡ rào cản

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định phê duyệt đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, nhiều giải pháp cũng như sự phân vai, phân nhiệm đã được nêu ra. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước. Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; đổi mới cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước… Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước phải gắn với chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước. Nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp cũng cần thay đổi. Mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi doanh nghiệp mà là tái cơ cấu danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Để tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp nhà nước, các chuyên gia kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định và thông lệ quốc tế, không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh.

Việc quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước nên thông qua một đầu mối; đánh giá hiệu quả hoạt động, đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể; áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để phát hiện sớm sai phạm, cảnh báo nguy cơ thua lỗ, mất vốn…

Thực tế, các doanh nghiệp nhà nước đã chủ động nghiên cứu phương án đổi mới. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành, trong Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, EVN phải thể hiện được vai trò trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời phải định hình rõ phương án hoạt động hiệu quả, phát triển trong giai đoạn tới.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1035014/de-doanh-nghiep-nha-nuoc-xung-voi-ky-vong