Để đồng bằng sông Cửu Long cất cánh
ĐBSCL sở hữu nhiều cái nhất nhưng các địa phương trong vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Để vùng đất chín rồng cất cánh, rất cần những chính sách đặc thù mang tính đột phá liên vùng
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 12 tỉnh và TP Cần Thơ, là nơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng.
Phát triển không như kỳ vọng
Thời gian qua, ĐBSCL đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nhưng quy mô còn khá khiêm tốn (GDP chỉ chiếm gần 12%). Tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp ở ĐBSCL còn chậm; việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; tỉ trọng xuất khẩu có xu hướng giảm; hạ tầng giao thông đầu tư chưa đồng bộ; các trung tâm logistics lớn chưa được hình thành...
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng việc triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc trong khu vực đã tạo được không khí phấn khởi cho người dân. ĐBSCL đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu nên được xem là "vựa lúa" của cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển nông nghiệp tại các địa phương ĐBSCL vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát; các sản phẩm còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao.
Theo ông Đồng Văn Thanh, sự liên kết giữa các khâu - từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản - còn nhiều bất cập. Tỉ lệ giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương còn rất thấp nên người dân phải đến các tỉnh, thành có nền công nghiệp phát triển như: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... làm việc.
Bà Trần Thị Cúc - ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau - cho biết bà có 11 người con nhưng tất cả phải rời quê đến nơi khác mưu sinh. "Các con tôi đi làm công nhân ở Bình Dương nhiều năm qua. Tôi giờ ở nhà giữ cháu nội và chỉ mong đến Tết để gia đình được sum họp" - bà bộc bạch.
Bên cạnh bài toán kinh tế - lao động việc làm, ĐBSCL còn đối mặt tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở bủa vây. Hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan đã đe dọa cuộc sống của rất nhiều hộ dân...
Đây được xem là những nguyên nhân khiến vùng ĐBSCL phát triển không như kỳ vọng.
Không bỏ lỡ cơ hội
Để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, rất cần những chính sách đủ mạnh, tạo sức đột phá cho khu vực này.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm chủ tịch. Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL có nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối và giải quyết những công việc quan trọng liên ngành, liên vùng để khu vực này phát triển bền vững.
Tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL vừa diễn ra tại Bạc Liêu, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, đề xuất những dự án liên quan 2 địa phương Cà Mau và Bạc Liêu đã được quy hoạch thì cần tinh gọn thủ tục nhằm rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nếu không, địa phương sẽ đánh mất cơ hội.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tiến Hải, để phòng chống sạt lở thì cần nguồn vốn rất lớn, trong khi ngân sách địa phương có hạn nên rất cần cơ chế xã hội hóa. "Khu vực ven biển nào mà nhà đầu tư có thể lập dự án phát triển kinh tế thì để họ bỏ vốn ra làm kè bảo vệ khu vực đó. Cần mạnh dạn giao đất cho nhà đầu tư phát triển kinh tế gắn với xây dựng công trình phòng chống sạt lở. Cà Mau đã thí điểm thực hiện việc này và mang lại hiệu quả rất cao.
Tuy nhiên, các bộ, ngành lại cho rằng làm như vậy là giao đất rừng nên vấn đề này cần phải sớm được tháo gỡ. Thời gian qua, chỗ nào sạt lở nhiều thì mới tập trung giải quyết nên bị động và gây ra thiệt hại lớn" - ông băn khoăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều bày tỏ mong muốn trung ương đầu tư các tuyến cao tốc theo trục ngang để kết nối các địa phương, giúp giao thương trong dân được thuận lợi. Ông cho rằng việc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư.
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề nghị triển khai sớm việc thí điểm dùng cát biển san lấp các công trình trọng điểm. Việc này sẽ hạn chế tình trạng khai thác cát sông vốn dễ dẫn đến sạt lở và sụt lún tại các địa phương ở ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch hành động của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL. Kế hoạch này phải bám sát chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; phải có tính thực tiễn và khả thi để triển khai đạt hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL giải quyết những vấn đề liên vùng, liên tỉnh để sớm hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm; liên kết các hoạt động chế biến, tiêu thụ sản phẩm đối với những mặt hàng chủ lực, có thế mạnh của vùng.
Đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng ĐBSCL. Trong đó, nhiều chính sách chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, thủy sản; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề xuất nhóm cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ; chính sách đặc thù và giải pháp đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-tay-24h/de-dong-bang-song-cuu-long-cat-canh-20231001194808601.htm