Để đồng phục học sinh không còn là áp lực với phụ huynh
Chuẩn bị vào năm học mới, nhiều bậc phụ huynh lại lo lắng bởi những khoản đóng góp cho con em mình. Trong đó, đồng phục học sinh là một 'mối quan tâm' với không ít gia đình.
Tiền đồng phục bằng cả tháng lương
Có hai con năm nay học lớp 1 và lớp 4, chị Nguyễn Thị Lương (trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Vợ chồng tôi làm công việc tự do, kinh tế không khá giả nên mỗi khi vào năm học mới lại đứng ngồi không yên. Nào là tiền sách giáo khoa, vở bút và dụng cụ học tập, tiền đồng phục… Tổng cộng tới triệu đồng mỗi cháu. Năm nay con út vào lớp 1 nên bắt buộc phải mua đồng phục. Dù chưa chính thức chọn loại nào nhưng như những năm học trước, giá của mỗi bộ đồng phục của học sinh tiểu học từ 200 – 300 nghìn đồng. Mỗi trẻ phải có ít nhất 2 bộ đồng phục mùa hè, 1 bộ mùa đông và trang phục thể thao”.
Cùng chung tâm trạng, chị Ngô Thị Hà (huyện Hưng Hà Thái Bình) cũng cho rằng, mua đồng phục cho học sinh khi tới lớp, kể cả mầm non là hợp lý để các cháu có thể dễ dàng nhận ra bạn nếu không may bị lạc khi đi dã ngoại. Tuy nhiên, chất liệu, hình thức và giá cả của mỗi bộ đồng phục mới là vấn đề đáng bàn. Phụ huynh phải là người trực tiếp lựa chọn cho con mình bộ trang phục phù hợp với lứa tuổi cũng như điều kiện kinh tế gia đình. Chị Hà nhẩm tính, nếu mua đủ đồng phục cho hai con đang học THCS mất nguyên tháng lương của mình.
Đồng phục không chỉ là băn khoăn của phụ huynh ở vùng nông thôn mà là nỗi lo của cha mẹ ở thành phố lớn. Mới đây, một phụ huynh tại quận Đống Đa, Hà Nội đã đăng tải bảng kê các loại đồng phục của học sinh Trường THCS Phương Mai với tổng số tiền lên đến gần 2 triệu đồng. Theo đó, học sinh phải mua 4 loại đồng phục khác nhau gồm 1 bộ sơ mi dài, 1 bộ sơ mi cộc, 1 bộ thể dục dài, 1 bộ thể dục cộc cùng 1 áo khoác, 1 áo hoodie kèm tất. Tổng số tiền phụ huynh phải đóng là 1.850.000 đồng.
Theo lý giải từ cô Phan Thị Thục Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai, ngày 1/7, nhà trường hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tuyến cho con vào lớp 6. Thông qua buổi hôm đó, thầy cô đưa ra thông báo về các loại đồng phục của học sinh và bảng giá chi tiết từng bộ. Trường công bố bảng giá để phụ huynh tham khảo và đăng ký mua cho con mình tùy vào khả năng tài chính của gia đình. Trường không bắt buộc phụ huynh phải mua toàn bộ số đồng phục được liệt kê trong phiếu thông báo.
Tính toán kỹ để tránh lãng phí
Theo thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định), đồng phục do nhà trường đưa ra mẫu mã, quy cách sau đó tuyên truyền đến phụ huynh. Điều này tạo sự bình đẳng giữa các học sinh bởi gia đình có điều kiện về kinh tế thường đầu tư cho con cái trang phục đắt tiền. Còn gia đình hạn chế về kinh tế thì quần áo các em sử dụng hàng ngày có phần đơn giản hơn. Việc này đã tạo nên khoảng cách giữa các học sinh với nhau.
Bình đẳng trong trường học rất cần được quan tâm bởi đây chính là yếu tố quan trọng để hạn chế việc chia bè phái. Do đó, các trường cần tuyên truyền vấn đề này tới phụ huynh để đạt được sự đồng thuận. Hơn nữa, đồng phục học sinh là nét đặc trưng riêng của mỗi nhà trường, nếu không có nhiều em mặc theo mốt thời trang dẫn tới không phù hợp với môi trường sư phạm, thậm chí phản cảm. Mặt khác, học sinh mặc đồng phục khi ra khỏi cổng trường thì phụ huynh, người dân có thể phân biệt được đó là học sinh của trường nào. Trường hợp có vi phạm hoặc xảy ra bất trắc, mọi người đều biết và phản ánh kịp thời đến nhà trường.
Cũng theo thầy Nguyễn Hải Sơn, quy định học sinh mặc đồng phục ảnh hưởng đến kinh tế của một bộ phận phụ huynh có điều kiện khó khăn. Bởi vào đầu năm học, họ phải đóng góp nhiều khoản tiền, tạo ra không ít ý kiến trái chiều như có nên quy định đồng phục mùa hè, mùa đông, giá cả, chất lượng, mẫu mã…
“Từ những ý kiến trên, nhà trường đưa ra giải pháp hợp lý để phụ huynh đồng thuận và lựa chọn. Theo đó, nhà trường chỉ đưa ra mẫu mã, quy cách để phụ huynh mua và tự may hoặc liên hệ với các nhà may để có giá phù hợp chứ không áp đặt hoặc giới thiệu bất cứ công ty, doanh nghiệp nào”, thầy Sơn nói.
Liên quan vấn đề đồng phục, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho hay, đơn vị không tham gia hay có bất cứ chỉ đạo nào vì đây là việc nội bộ của ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường. Tuy nhiên, phòng cũng lưu ý các trường, khi triển khai may đồng phục học sinh cần nắm bắt tâm tư và thống nhất với phụ huynh các phương án để có sự đồng thuận khi triển khai. Tất cả phải bảo đảm đúng quy định, tránh gây lãng phí hay dư luận không tốt khi may đồng phục học sinh vào mỗi đầu năm học. Đồng thời có giải pháp để hỗ trợ trò có hoàn cảnh khó khăn. Không để bộ đồng phục trở thành rào cản hoặc áp lực khi trẻ đến trường.
Một vấn đề quan trọng nữa là nhà trường không bắt các phụ huynh năm nào cũng phải mua đồng phục mới. Nếu học sinh giữ gìn quần áo sạch sẽ thì vẫn sử dụng được sang năm học sau. Nếu đồng phục cũ/rách, phụ huynh có thể tự mua rồi đính logo của nhà trường vào, như vậy sẽ đỡ tốn kém. “Từ tuyên truyền và các giải pháp về đồng phục nhà trường đưa ra, phụ huynh hầu hết ủng hộ 100% vì tiết kiệm được tiền của, tránh lãng phí. Qua đó cũng giáo dục cho học sinh phẩm chất giữ gìn và nâng niu những gì mình đang có”. - Thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định)