Để doping không còn nhức nhối
Những thông tin bất lợi gần đây cho thể thao Việt Nam về kết quả kiểm tra mẫu thử chất cấm (còn gọi là doping) tại SEA Games 31 tiếp tục đặt ra vấn đề về việc cần giải quyết sớm những tồn tại bấy lâu nay. Đó là câu chuyện cũ nhưng chừng nào chưa được giải quyết thì vẫn tạo ra sự nhức nhối đáng kể trong công tác phòng, chống doping của thể thao Việt Nam.
Không phải chuyện mới
Đến lúc này, lãnh đạo Tổng cục TDTT vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức về số VĐV Việt Nam và danh tính VĐV dương tính với doping tại SEA Games 31. Đó là chuyện bình thường khi tất cả phải đợi thông báo cuối cùng từ Cơ quan phòng, chống doping quốc tế (WADA). Đó cũng là cách làm phù hợp với thông lệ để bảo đảm tối đa danh dự cho VĐV, kể cả khi VĐV có mẫu thử A dương tính với doping. Chỉ sau khi VĐV không đề xuất xét nghiệm mẫu thử B (vốn được lấy cùng một đợt với mẫu thử A) và WADA công bố chính thức danh tính VĐV có mẫu thử dương tính với doping thì lúc đó Tổng cục TDTT mới có các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, câu chuyện VĐV Việt Nam dương tính với doping thì chẳng phải đợi đến lúc này mới có.
Ở nhiều kỳ cuộc thể thao quốc tế lớn, thể thao Việt Nam từng có VĐV dương tính với doping với nhiều lý do khác nhau. Như ở SEA Games 22 năm 2003, kết quả xét nghiệm cho thấy có 4 VĐV dương tính với doping. Ở Olympic 2008, thể thao Việt Nam có 1 trường hợp… Cũng trong những lần lấy mẫu thử doping đột xuất của WADA, một số VĐV Việt Nam đã có kết quả dương tính với doping.
Ngay trong nước, thông qua các cuộc kiểm tra, cũng phát hiện một số trường hợp có kết quả dương tính với doping, trong đó ở Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 có 1 trường hợp. Đến trước SEA Games 31, ở cuộc kiểm tra nội bộ đội tuyển thể hình quốc gia, có tới 6 trường hợp dương tính với doping.
Như thế, việc sử dụng chất cấm là cố tình hay vô tình cũng cho thấy khoảng trống trong công tác phòng, chống doping ở Việt Nam.
Việc này cũng đã được xới xáo nhiều lần với những nguyên nhân quen thuộc được chỉ ra. Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh, từng nhiều lần làm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD và SEA Games đã khẳng định rằng, nguyên nhân khiến VĐV Việt Nam dương tính với doping là do sự thiếu hiểu biết.
Với VĐV là sự thiếu hiểu biết về sử dụng các loại thức phẩm dinh dưỡng, trong đó chứa không ít loại chất cấm mà VĐV không để ý. Đáng chú ý, việc mua thực phẩm dinh dưỡng ngoài thị trường diễn ra cũng dễ dàng nên nguy cơ VĐV dương tính với chất cấm khá cao.
Trong khi đó, ngành thể thao không nhận thức hết tầm quan trọng của phòng, chống doping. Thế nên, ngành cũng không đủ quyết liệt để tạo ra những điều kiện cơ bản nhất về phòng, chống doping, trong đó phải có một phòng xét nghiệm đạt chuẩn của Cơ quan phòng, chống doping thế giới. Thế nên, dù Trung tâm Doping và Y học thể thao (Tổng cục TDTT) được thành lập từ năm 2011 nhưng cũng chỉ cập nhật kiến thức về doping, danh mục chất cấm hằng năm do Cơ quan phòng, chống doping thế giới công bố để chuyển cho các đội tuyển thể thao, các địa phương... thực hiện công tác tuyên truyền về doping tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT của các địa phương; phối hợp với các tổ chức lấy mẫu xét nghiệm doping...
Trong khi đó, việc cần nhất là có thể trực tiếp xét nghiệm doping cho đông đảo VĐV thì trung tâm chưa thể thực hiện bởi chưa có hệ thống máy móc, thiết bị đạt tiêu chuẩn của WADA. Nếu có phòng xét nghiệm doping ở Việt Nam thì sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí xét nghiệm (chỉ khoảng 100 USD/ mẫu thử, thay vì hơn 200 USD/ mẫu thử khi đưa ra nước ngoài xét nghiệm). Đồng thời, việc này sẽ giúp ngành thể thao dễ dàng xét nghiệm doping các VĐV và từ đây sẽ tác động trực tiếp tới ý thức các HLV, VĐV. Chuyện này đã được nhắc đến từ gần 20 năm nay nhưng đến giờ vẫn giậm chân tại chỗ.
Cần sự quyết liệt
Cách đây hơn 1 năm, ngành thể thao đã đưa ra giải pháp xét nghiệm ngẫu nhiên VĐV dự giải vô địch quốc gia hay giải trẻ quốc gia của một số môn như điền kinh, bơi, cử tạ, xe đạp, karate, thể hình. Đây được xem là bước tiến bởi trước đó chỉ đến Đại hội Thể thao toàn quốc, ngành thể thao mới tổ chức xét nghiệm doping với số lượng hạn chế để đỡ bị đội kinh phí tổ chức. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh từng chia sẻ, việc này đòi hỏi một khoản kinh phí lớn nhưng thực sự cần thiết để đề cao giá trị thật trong thi đấu thể thao, đồng thời ngăn chặn tối đa hành vi sử dụng doping.
Giải pháp này đã được đón nhận tích cực nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là cần xét nghiệm ở mức độ dày đặc hơn ở các môn, nhất là những môn trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD, SEA Games. Bởi chỉ có thể xét nghiệm thường xuyên, liên tục mới tác động mạnh vào ý thức của các nhà quản lý, HLV, VĐV. Và để làm việc này thì cần sự đầu tư từ Nhà nước để có phòng xét nghiệm doping ngay tại Việt Nam, có những khoản kinh phí nhất định hằng năm cho xét nghiệm doping bên cạnh nguồn kinh phí từ các liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia, địa phương. Vì thế, đây sẽ là đầu việc quan trọng của ngành thể thao trong thời gian tới.
Ông Dương Đức Thủy - nguyên HLV trưởng đội tuyển điền kinh quốc gia và Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) cho rằng, việc tuyên truyền về doping là cần thiết. Bên cạnh đó, cần giúp VĐV hiểu rõ về quy trình sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng trong đó nhất thiết phải tham khảo ý kiến của đội ngũ y tế. Còn trường hợp đội ngũ y tế không thể tư vấn đầy đủ thì lại là câu chuyện khác. Thực tế, danh mục chất cấm cực dài và nếu không đối chiếu kỹ thì hoàn toàn có khả năng “lọt lưới”, nhất là với những chất trong các sản phẩm thực phẩm chức năng được bán tràn lan ở thị trường mà VĐV vẫn ưa sử dụng.
Trong khi đó, ông Đào Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội khẳng định, kinh phí cấp cho ngành thể thao cần có một khoản nhất định cho việc phòng, chống doping. Ngay Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội cũng sẽ trích kinh phí hằng năm để tổ chức xét nghiệm doping theo hình thức ngẫu nhiên với chính VĐV trong trung tâm.
Rõ ràng, việc phòng, chống doping cần nhiều thời gian, kinh phí. Đấy là việc không thể xem nhẹ vì sẽ tác động rất nhiều đến uy tín của thể thao Việt Nam ở trong nước đặc biệt nếu so với các lĩnh vực khác; uy tín trong làng thể thao thế giới cũng như tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho VĐV.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/de-doping-khong-con-nhuc-nhoi-i668306/