Để du khách đến Việt Nam chi tiêu 'mạnh tay hơn'
Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới và Trung tâm Nghiên cứu kinh tế du lịch toàn cầu công bố năm 2018, khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt 1.850 USD/chuyến đi. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, lượng khách du lịch Trung Quốc dù đông nhưng mức chi tiêu lại chưa cao. Chẳng hạn năm 2017, mỗi du khách Trung Quốc chi khoảng 900 USD/chuyến đi tại Việt Nam, trong đó hơn 30% là cho lưu trú.
Các sản phẩm du lịch phải hấp dẫn hơn
Không phải đến ngày 15-3, thời điểm Chính phủ Trung Quốc thí điểm mở cửa du lịch đưa khách đoàn vào Việt Nam, câu chuyện về lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam chi tiêu “nhẹ tay” mới được bàn cãi. Bởi xét cho cùng, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn, có tầm ảnh hưởng tới nhiều quốc gia. Nhất cử nhất động của thị trường này đều có tác động to lớn tới thị trường du lịch thế giới nói chung và thị trường du lịch Việt Nam nói riêng.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trước dịch Covid-19, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giai đoạn 2015 - 2019, lượng khách Trung Quốc tăng 3,3 lần, từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt. Tỷ trọng khách Trung Quốc trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng dần, từ 23% vào năm 2015 lên 32% vào năm 2019.
Cho tới nay, lý do được các chuyên gia đưa ra để giải thích cho việc khách du lịch Trung Quốc đi du lịch nước ngoài chi tiêu rất nhiều (bình quân khoảng 1.700 - 1.800 USD), nhưng khi đến Việt Nam thì chi tiêu ít là do ta quản lý khách chưa tốt. Các đơn vị lữ hành không thể đảm bảo khách đi theo tour một cách nghiêm túc, đúng lộ trình, họ không được mua những hàng hóa như mong muốn… Do vậy, khoản ngoại tệ thu từ khách du lịch Trung Quốc không tương xứng với tiềm năng.
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt chia sẻ, người giàu Trung Quốc khi đi du lịch không để ý nhiều lắm đến giá cả mà quan tâm tới chất lượng. Họ thích mua những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt, mua sắm hàng hóa cao cấp như nước hoa, đồng hồ, rượu, áo quần hàng hiệu… Họ cũng thích ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là hải sản. Trong khi chúng ta lại chưa đáp ứng được nhu cầu này và do vậy Việt Nam chưa phải là điểm đến ưu tiên của người Trung Quốc có tiền.
Đầu tư cần bài bản, có chiến lược
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt cho rằng, không riêng khách cao cấp Trung Quốc mà khách từ các thị trường khác khi đến Việt Nam cũng không chi tiêu cao. Nguyên nhân chính là ngành du lịch chưa có sản phẩm phục vụ cho phân khúc này. Thế nên du khách không biết mua gì, chơi gì. “Hàng lưu niệm không đặc sắc, hàng tiêu dùng có khi gặp đồ rởm. Đó là chưa kể có người còn tiếp tay cho nạn “chặt chém” và lại không bị xử lý quyết liệt thành ra… quân ta hại quân mình” - ông Nguyễn Văn Mỹ dẫn chứng.
Với thực trạng này, điều quan trọng để thu hút nguồn ngoại hối từ khách du lịch Trung Quốc chính là việc tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, kích cầu du khách mạnh tay chi tiêu. Và mục đích cuối cùng là để cho du khách trở về nhà “rỗng túi”, tức là mang bao nhiêu tiền đến Việt Nam thì họ đều tiêu hết. Để làm được điều này, các điểm đến cần xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách Trung Quốc sau dịch Covid-19.
Theo phân tích của các chuyên gia, muốn hút khách Trung Quốc đòi hỏi doanh nghiệp nâng cấp chất lượng sản phẩm, đa dạng tour du lịch, đáp ứng được yêu cầu nhiều phân khúc khác nhau. Ngoài ra, điểm hạn chế lớn nhất trong khai thác du lịch Việt Nam - Trung Quốc 2 chiều còn đến từ việc hạn chế các chuyến bay thẳng, việc kết nối giữa các đơn vị du lịch của Việt Nam và Trung Quốc chưa nhiều. Do vậy, để giải được bài toán về khách du lịch Trung Quốc mạnh tay chi tiền khi đến Việt Nam, các địa phương, đơn vị cần có chiến lược đầu tư, thu hút dòng khách Trung Quốc cao cấp, đẩy mạnh du lịch đường biển để có thể hấp dẫn được dòng khách này.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, thị trường khách Trung Quốc rất lớn nhưng Việt Nam mới chạm vào một góc, còn nhiều phân khúc cao cấp chưa khai thác được. Các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chủ động hơn nữa, phải làm việc với đối tác lớn của Trung Quốc để đón khách, tránh thụ động khi họ gửi khách đến thì mình chỉ là bàn tay nối dài. Hơn nữa, mỗi địa phương, doanh nghiệp cần phát huy chiến lược, bản sắc riêng. Khi khách Trung Quốc sang Việt Nam du lịch với số lượng lớn, địa phương cần chủ động phương án quản lý điểm đến an toàn, an ninh, giãn khách ở các dịp cao điểm cuối tuần, kỳ nghỉ để tránh quá tải cục bộ.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-du-khach-den-viet-nam-chi-tieu-manh-tay-hon-post535647.antd