Để du khách không đi tàu hỏa một lần cho biết rồi thôi
Đơn vị lữ hành nói đường sắt khó lòng thay thế đường bay. Song, các chuyên gia trong ngành nhận định giá vé máy bay neo cao là thời điểm để tàu hỏa tăng tốc lấy lại thị phần.
Thị trường vận tải hành khách của ngành đường sắt tại Việt Nam biến động không ngừng trong hơn 10 năm qua.
Vào những năm 2000, khi ngành hàng không tại Việt Nam chưa phát triển, đường bộ vẫn còn nhiều điểm nghẽn, đường sắt là phương tiện di chuyển chủ lực của người dân cả về vận tải hàng hóa lẫn hành khách.
Song, đến khoảng năm 2017, đường bay và đường bộ lần lượt vươn mình khẳng định vị thế, rút ngắn thời gian đi lại, cước phí cạnh tranh, đường sắt vẫn "ì ạch", cơ sở hạ tầng bị đánh giá cũ kỹ, "già cỗi" về dịch vụ.
Tuy vậy, đến đầu năm 2023, cụ thể vào 2 kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và lễ 30/4-1/5, dòng khách Việt chảy sang thị trường tàu hỏa nhiều hơn khi hàng không và du lịch chưa tìm được tiếng nói chung.
Vào dịp hè năm nay, chia sẻ với Tri Thức - Znews về xu hướng lựa chọn phương tiện đi lại, một số đơn vị lữ hành đều có nhận định chung rằng du khách đổ xô du lịch bằng tàu hỏa hoặc xe tự lái, "né" giá vé máy bay neo cao ngất ngưởng.
Xu hướng này lặp lại 2 năm liên tiếp khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu đường bộ, đặc biệt là đường sắt, có đủ sức thay thế đường bay? Và thị trường tàu hỏa nằm ở đâu trong cuộc chiến vận tải hành khách?
Vừa có lãi từ năm 2023
Năm 1990 được cho là thời kỳ thịnh vượng của ngành đường sắt Việt Nam khi phục vụ 10,4 triệu lượt khách, chiếm gần 3% tổng lượng khách của ngành vận tải, số liệu từ Tổng Cục thống kê Việt Nam.
Khoảng một thập kỷ sau đó, khi hệ thống vận tải khách chứng kiến sự gia tăng từ đường bộ, hàng không, đường sắt lại ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2019, cũng theo Tổng Cục thống kê, số lượt hành khách vận chuyển của ngành đường sắt chỉ còn 4,7 triệu, chiếm 0,2% tổng số lượt khách do ngành giao thông phục vụ.
Từ năm 2020-2022, con số này giảm về 0,1%.
Ngành đường sắt trở nên "teo tóp" vào năm 2021, thời điểm dịch Covid-19, khi chỉ có khoảng 500 nghìn lượt khách lên tàu.
Kết thúc năm 2022, 4,52 triệu lượt hành khách đi tàu hỏa mang đến tin vui cho ngành đường sắt. Con số này giúp ngành giảm lỗ sâu hơn 400 tỷ đồng và tạo tiền đề làm ăn có lãi vào năm 2023. Tuy nhiên, đây chỉ là dấu hiệu khởi sắc, chưa thể giúp ngành đường sắt lấy lại phong độ như thời kỳ hoàng kim.
Năm 2023 có thể coi là năm thành công nhất của ngành đường sắt kể từ năm 2019. Theo số liệu thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ước tính ngành vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách, bằng 135,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Bám vào đà tăng trưởng từ năm này, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành ghi nhận số liệu khả quan, hành khách đi tàu thực tế đạt hơn 720.000 khách, mang về doanh thu hơn 436 tỷ đồng, tăng trưởng 6%.
Lý do kém hấp dẫn
Một trong số lý do khiến ngành đường sắt kém thu hút khách nằm ở thời gian và sức khỏe hành khách.
Từng trải nghiệm đi tàu lửa từ TP.HCM ra Hà Nội, Nguyễn Trâm Anh (ngụ quận Tân Bình) cho biết 36 tiếng trên tàu là trải nghiệm thật sự không dễ chịu. Cô chỉ di chuyến tàu này một lần duy nhất.
"Tôi đã uống thuốc chống say tàu xe nhưng vẫn không đủ 'đô' để chống chọi lại với cơn say tàu. Say tàu khó chịu hơn say xe rất nhiều", cô nói.
Khi chưa đi, nữ du khách từng nghĩ trải nghiệm đi tàu khá "chill", được ngồi trò chuyện, ăn uống cùng bạn bè. Thế nhưng khi tàu di chuyển khá rung lắc, chưa kể nếu ngồi trúng ghế tàu ngược sẽ còn ám ảnh hơn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận tàu hỏa vẫn có một số điểm hấp dẫn ví như sự đổi mới, chỉnh trang dịch vụ. Trong bối cảnh ngành hàng không và du lịch chưa tìm điểm giao nhau, đường sắt càng là sự lựa chọn thích hợp cho chuyến vi vu của du khách, đặc biệt là trong khoảng 200-300 km.
Vừa cùng mẹ trải nghiệm chuyến du lịch bằng tàu hỏa từ TP.HCM đến Phú Yên sáng 3/6, Ngọc Ánh (sống tại TP.HCM) cho biết ngày quay trở lại sử dụng tàu hỏa, cô khá bất ngờ vì cơ sở vật chất có nhiều điểm đổi mới.
"Lâu lắm rồi mới di chuyển bằng tàu hỏa, tôi thật sự bất ngờ vì sự thay đổi của tàu. Các toa tàu khang trang, vách được ốp gỗ, nhà vệ sinh sạch sẽ, dịch vụ cải thiện rất nhiều", Ngọc Ánh chia sẻ.
Có đủ sức thay thế tàu bay?
Trong mùa hè năm nay, khi giá vé máy bay neo cao, các đơn vị lữ hành ghi nhận lượng khách đặt tour tàu hỏa tăng đáng kể trong thị trường du lịch nội địa. Công ty Cổ phần Du lịch Việt có lượng khách đăng ký tour đường sắt tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo đơn vị này, thật khó để nói đây là phương tiện di chuyển ổn định, bền vững, thay thế cho đường hàng không trong ngành du lịch nội địa.
Ông Phạm Anh Vũ, đại diện truyền thông của Du lịch Việt, cho biết: “Mỗi loại hình di chuyển đều có ưu điểm riêng. Trong mùa cao điểm thì tàu hỏa có thể là giải pháp thêm, mang đến nhiều phương tiện để du khách lựa chọn chứ không thể thay thế được đường hàng không”.
Ông Vũ cho rằng đường sắt vẫn còn các bất cập như thời gian di chuyển dài khiến du khách mệt mỏi, chất lượng tàu và các hạ tầng dịch vụ như sân ga, nhà vệ sinh vẫn còn chưa tốt... cần có sự khắc phục nếu muốn coi đây là giải pháp vững bền cho du khách chọn lựa.
Hiện tại, các cung đường thuận lợi cho khách, được nhiều người yêu thích là TP.HCM đi Nha trang, Phan thiết, Ninh Thuận... và từ Hà Nội đi Hải Phòng, Sapa, Sầm Sơn…
Nhìn về bức tranh tổng thể, du lịch nội địa của Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu du lịch bằng đường sắt. Trong năm 2023, có khoảng 10 triệu hành khách lựa chọn tàu hỏa thay vì máy bay, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.
Với đà tăng trưởng nói trên, 2024 trở về sau là cơ hội cho ngành đường sắt chuyển mình trong điều kiện cải thiện dịch vụ, mức giá, đặc biệt là tập trung phát triển tàu hỏa cao tốc, giải quyết bài toán di chuyển thời gian cho du khách.
Theo thạc sĩ Hà Quách, Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, cuộc chiến để giành thị phần giữa ngành đường sắt và các hãng hàng không, đặc biệt các hãng hàng không giá rẻ, thường tập trung vào 3 vấn đề mấu chốt bao gồm giá cả, thời gian di chuyển, sự tiện nghi và trải nghiệm khách hàng.
"Để thu hút khách du lịch đi tàu hỏa, ngành đường sắt Việt Nam đang nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới cao tốc và nâng cao dịch vụ trên tàu để đáp ứng nhu cầu du lịch và di chuyển", ông Hà Quách chia sẻ với Znews.
Ngoài ra, việc kết hợp giữa ngành đường sắt với các sở ban ngành, các công ty lữ hành đã mở ra nhiều dịch vụ tàu lửa theo hướng trải nghiệm du lịch. Đây là thị trường đặc biệt tiềm năng.
"Những thay đổi này quan trọng để đáp ứng sở thích đa dạng của du khách và thúc đẩy du lịch đường sắt như lựa chọn cạnh tranh khi so sánh với hàng không, đặc biệt đối với chuyến đi xa", vị thạc sĩ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Phạm Hương Trang, Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT, cũng cho rằng ngoài việc đảm bảo đáp ứng các yếu tố cơ bản như an toàn, đúng giờ, ngành đường sắt cần tập nâng cao trải nghiệm khách hàng, đáng lưu ý là giảm thời gian di chuyển.
"Tôi cho rằng đơn vị khai thác tàu hỏa cần đầu tư tăng cường kết nối giữa các tuyến điểm, cơ sở hạ tầng và dịch vụ thông qua hợp tác công tư để hiện đại hóa mạng lưới đường sắt, giảm thời gian di chuyển và cạnh tranh hơn với hàng không là xu hướng quan trọng tăng trải nghiệm khách hàng", bà Trang nói.
Về góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Phạm Văn Bẩy, Phó giám đốc Vietravel Hà Nội, cho rằng đường sắt, máy bay hay xe ôtô đều là những phương tiện phục vụ hiệu quả cho sản phẩm du lịch. Riêng tàu hỏa thích hợp với tệp du khách muốn trải nghiệm hình thức du lịch chậm và tiết kiệm chi phí.
"Trong nhiều tour du lịch, chúng ta còn có thể sử dụng kết hợp cả 3 loại phương tiện này để mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm thú vị. Tôi cho rằng, trong dịp hè này, càng có nhiều sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên nhiều phương tiện di chuyển khác nhau, du khách càng dễ dàng lựa chọn hơn, để ai cũng có thể đi du lịch hè dựa trên ngân sách, nhu cầu của bản thân", ông Bẩy nói.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/co-hoi-nao-cho-du-lich-duong-sat-post1478882.html