Để du khách quay lại Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 2: Còn đó những 'nút thắt'

Bài 1: Tài nguyên du lịch phong phú

Tiềm năng du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn rất lớn, nhưng chưa được đầu tư đúng mức cũng như khai thác có hiệu quả nhất. Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, ít có những sản phẩm mới… là một trong những “điểm nghẽn” của ngành “công nghiệp không khói” ĐBSCL.

HẠ TẦNG CẢN BƯỚC

Thực tế cho thấy, du lịch ĐBSCL đang có nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ. Trong đó, hạ tầng giao thông còn thiếu và yếu đang chính là “điểm nghẽn” lớn trong phát triển du lịch ĐBSCL.

ĐBSCL còn thiếu về hạ tầng du lịch.

ĐBSCL còn thiếu về hạ tầng du lịch.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Đồng Tháp, mặc dù có nhiều tiềm năng, thuận lợi trong xây dựng sản phẩm và phát triển du lịch, nhưng ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng còn có những khó khăn và hạn chế cần tháo gỡ để xây dựng và phát triển tour tuyến liên kết. Trước hết là hạn chế về hạ tầng giao thông.

Mặc dù có thế mạnh về hệ thống giao thông đường thủy, đường hàng không, nhưng kết nối giao thông đường bộ vẫn còn hạn chế. Mạng lưới kết nối giao thông đường bộ nội vùng chưa đồng bộ và hệ thống trạm dừng chân vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của vùng.

Cùng nhận định với ngành VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau cho rằng, khó khăn lớn nhất của vùng ĐBSCL trong phát triển du lịch là kết nối giao thông còn rất hạn chế. Mặc dù vùng có thế mạnh về đường sông, đường biển nhưng sự kết nối giao thông nội vùng còn rất khó khăn, thời gian vận chuyển hành khách còn quá dài.

Theo bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ, vấn đề tồn tại của du lịch ĐBSCL trước hết là thiếu quan tâm đến cảm nhận, mong muốn và nhu cầu của du khách.

Các chủ đầu tư du lịch ít quan tâm đến việc công trình có giữ được cảnh quan và chiếm được cảm tình du khách hay không và ít khi ghi nhận, lắng nghe ý kiến phản hồi từ du khách.

Việc đầu tư ồ ạt, không bài bản, thiếu chuyên nghiệp, nôn nóng “đổ tiền” vào khai thác tài nguyên thiên nhiên đang đe dọa sự phát triển bền vững của du lịch ĐBSCL.

Các hoạt động, chương trình vui chơi giải trí về đêm ở miền Tây cũng kém phát triển. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, thiếu chủ động trong việc nghiên cứu và dự báo nhu cầu thị trường.

Hằng năm, du lịch Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí của Malaysia đã bỏ ra và hiệu quả lại chưa được như mong đợi.

Ngoài ra, cũng có một số ý kiến cho rằng, miền Tây vẫn chỉ là địa chỉ khám phá chứ không phải là điểm đến nghỉ dưỡng của du khách. Do đó, tỷ lệ khách quay trở lại ĐBSCL ít là điều dễ hiểu.

Thực tế cho thấy, đường sông chưa phát triển, đường biển thiếu cảng hành khách và phương tiện chưa đủ sức khai thác vận chuyển hành khách. “Hiện nay, đường hàng không tuy có phát triển, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du lịch. Tuyến đường bộ toàn vùng và nội vùng chưa hình thành mạng lưới đáp ứng yêu cầu của du lịch, còn thiếu cơ sở hạ tầng cả về hạ tầng giao thông, trạm dừng chân... chưa đáp ứng nhu cầu của du khách” - lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau đánh giá.

Bên cạnh rào cản về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch còn thiếu và yếu cũng là một những khó khăn trong việc thu hút khách du lịch đến ĐBSCL. Có ít dự án về du lịch được đầu tư cũng như nhiều dự án chậm triển khai nên du lịch ĐBSCL chưa thể níu chân du khách.

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Bến Tre, bên cạnh những thành công đã đạt được, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai nhưng còn chậm. Địa phương chưa đẩy nhanh tiến độ, nhất là lĩnh vực giao thông, phần nào gây ảnh hưởng đến lượng khách tham quan.

SẢN PHẨM NA NÁ NHAU

Với sự tương đồng về điều kiện tự nhiên nên từ lâu, tồn tại của du lịch ĐBSCL chính là sản phẩm na ná nhau giữa các tỉnh, thành. Tuy đã có nhiều sự đổi mới, nhưng nhìn chung vẫn chỉ khai thác dựa trên tiềm năng sẵn có, thiếu sáng tạo và sản phẩm thiếu tính bền vững.

Sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành ĐBSCL na ná nhau dễ gây nhàm chán cho du khách.

Sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành ĐBSCL na ná nhau dễ gây nhàm chán cho du khách.

Nhiều du khách cho rằng, khi đến tỉnh này ở ĐBSCL sẽ biết được du lịch ở tỉnh khác có những gì. Chính điều này khiến du lịch ĐBSCL khó thu hút du khách quay trở lại.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, sự tương đồng về đặc thù sinh thái, cảnh quan thiên nhiên đã dẫn đến du lịch của ĐBSCL chưa phát triển mạnh so với các vùng khác trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng như: Lễ hội, chợ nổi, tham quan các nhà cổ, chèo ghe trên sông rạch, tham quan vườn trái cây, thưởng thức đờn ca tài tử..., đặc biệt là các mô hình du lịch sinh thái trong vùng còn giống nhau.

Điều này dễ gây nhàm chán cho du khách. Các dịch vụ du lịch ít được đổi mới, chưa tìm kiếm mở rộng thị trường và còn quá lệ thuộc vào một số thị trường trọng điểm, truyền thống nên dễ gặp rủi ro khi có biến động.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, hiện lượng khách quốc tế đến ĐBSCL chưa cao.

Năm 2023, cả vùng chỉ đón được hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế, dù nước ta đã có nhiều chính sách thu hút khách du lịch quốc tế. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng sản phẩm và các chương trình kích cầu du lịch của chương trình liên kết vùng nói riêng chưa có những sản phẩm mới “chủ lực” và vẫn chưa thật sự hấp dẫn.

Các dịch vụ chưa kết nối để tạo thành hệ sinh thái kinh tế du lịch. Thời gian khách du lịch lưu trú trong các chương trình du lịch liên kết ngắn.

Các chương trình quảng bá, xúc tiến của cơ quan quản lý nhà nước của 13 tỉnh, thành ĐBSCL tại các thị trường trọng điểm còn ít; công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn…

Mặt khác, các sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm còn thô sơ, thiếu sự sáng tạo, tính nghệ thuật và giá trị chưa cao, không thu hút được du khách, dẫn đến giảm tính cạnh tranh cho các điểm đến và khó kích cầu tiêu dùng.

“Hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng ở nhiều nơi chưa đúng bản chất, chưa đúng theo yêu cầu. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng nên xem việc phát triển dịch vụ du lịch là sản phẩm tăng thêm. Nguồn thu nhập chính vẫn là hoạt động canh tác và sản xuất sản phẩm truyền thống, thường ngày” - lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau cho biết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các sản phẩm du lịch miền Tây chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có, mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết. Do tính tương đồng về tài nguyên du lịch, hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm chính này.

Do đó, các giá trị đặc thù chưa được khai thác phù hợp để tổ chức được những trải nghiệm đích thực về các giá trị sông nước; tình trạng kém hấp dẫn và không rõ tính đặc thù của các sản phẩm du lịch của vùng. Các địa phương khai thác các giá trị tương đồng mà chưa nhìn nhận được các giá trị đặc thù, khác biệt và tính hấp dẫn trong tương quan trong vùng và trong cả nước.

“Du lịch ĐBSCL chưa thật sự có “nhạc trưởng” và đang đứng trên “đôi chân 3 điểm yếu” gồm: Hạ tầng du lịch; nguồn nhân lực du lịch yếu kém và thiếu một cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành Du lịch hiệu quả.

Do đó, không gian du lịch vùng, liên kết với TP. Hồ Chí Minh bị ngắt khúc. Trong thực tế, vẫn chưa có một “cơ chế pháp lý” rõ ràng và “một mô hình chỉ đạo, điều phối” liên kết vùng ĐBSCL phát triển du lịch thật sự hiệu quả. Các liên kết vừa qua mới chủ yếu giữa chính quyền với chính quyền, thông qua ký kết các chương trình hợp tác, dựa vào “mối quan hệ tốt đẹp” giữa các địa phương với nhau, là sự cam kết tự nguyện, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý, nên hiệu quả chưa nhiều. Vấn đề quan trọng nữa là nội dung liên kết.

Ngoài liên kết chính quyền, cần hướng đến trọng tâm là liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch theo hướng phát triển các “chuỗi giá trị ngành Du lịch” và “sản phẩm du lịch đặc thù”. Trên cơ sở đó, có phân công, phân vai trong liên kết, phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, chia sẻ lợi ích, phát triển bền vững” - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiệp nhận xét.

THÁI AN - ANH THƯ

(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202406/de-du-khach-quay-lai-dong-bang-song-cuu-long-bai-2-con-do-nhung-nut-that-1012319/